Nhớ ngày xưa bé mẹ kể chuyện, hôm đó chậm chút nữa thì bu đẻ rơi ra ngoài ruộng. Không nhanh lên trạm xá thì được bú bùn trước khi biết đến mùi sữa mẹ. Bảo sao dù đi bất cứ đâu cũng không thể quên được mảnh đất này. Ngẫm lại lũ trẻ con trong nhà sống thiệt thòi hơn ba nó vì nó không được sống ở cái thời không có Internet, chỉ có những trò nghịch dại như: chơi khăng, trốn tìm, nhảy dây, chơi keo, đồ, trồng hoa trồng nụ, … nhưng thú vị nhất là cái trò buổi trưa trốn mẹ cởi truồng tắm sông. Cả một lũ tồng ngồng như nhau, lớp 5 lớp 6 vẫn thế. Đến khi có lông có cánh mới mặc khi biết thế nào là xấu hổ, vì đã tắm sông thì là phải chơi cầu trượt bùn đất, mà trượt như thế một hai bữa thủng hết đít quần về mẹ biết là cho ăn đòn. Nên ông nào cũng bặm môi mà tuyên thệ: “ thà rách đít còn hơn rách quần”. Mà trượt đâu có trượt một mình, hai ba ông ôm nhau trượt, nhiều khi không may ông đằng trước chống chân phanh lại vì trượt nhanh quá thì mấy ông ngồi sau đi hết cả ấm chén. Thế mà lúc nào cũng cười khanh khách, quên hết sầu đời. Giờ thấy bọn trẻ tối ngày cắm mặt điện thoại giống hệt thằng bố nó nghĩ mà cám cảnh, cho về quê chơi thì muỗi đốt, ho, cảm các kiểu nên mỗi lần đưa chúng nó về lại phải cân nhắc xem thời tiết thế nào. Nói thực đi tăm sống mà tắm tiên vẫn là thích nhất trên đời, thằng nào cũng như thằng nào.
Bà nhà thấy ông bạn suốt ngày hểnh tí lại chạy về quê là lại cằn nhằn than vãn: “về gì mà về lắm thế?” Thì cũng chỉ biết cười và trả lời bà ấy là tôi nhớ cái mùi nồng nồng, khăm khẳm phân lợn bón ruộng quê tôi. Xa lâu ngày không chịu được nên thi thoảng về hít hà cho đỡ nhớ.
Cái thời làm ruộng đi bón phân trước khi cấy toàn phải phi vào chuồng lợn, chuồng bò xúc phân đem ra vãi ruộng, mà toàn là tay không chứ làm gì có găng tay như bây giờ. Mà cái mùi phân chuồng nó đã ngấm vào tay thì xà phòng, lá chanh bẩy ngày sau vẫn thối. Chắc ngửi nhiều rồi nên thành mùi nhớ. Nó giống như kiểu mùi nhớ của vợ hay chồng ấy. Mặc dù hôi nách nồng nặc với người ngoài nhưng với mình vắng mùi đấy là đếch ngủ được.
Thế cho nên quê hương nó là máu, là thịt, là tuổi thơ, là một nửa hồn tôi mất rồi. Làm sao mà xa nó được cơ chứ.
Mỗi lần về quê như được thêm sức mạnh khi ngồi ngắm ruộng đồng, cây trái, con gà, con lợn…
Cả một tuổi thơ ký ức ùa về. Nhiều lần bà nhà hỏi ước mong của ông sau này thế nào. Tôi trả nhời là về quê làm ruộng chăn gà chăn lợn, còn bà thì viết văn thế là nhất. Bà ấy cười bảo ước của ông sao mà khôn thế ?
Tôi chỉ biết trả lời rằng. Tôi đây chia đôi, một nửa là quê hương và một nửa là mình, nên tôi cống hiến một đời thì lúc già chieu tôi tí đâu có thiệt đâu ?
Quê hương là tuổi thơ tôi
Bao nhiêu kỷ niệm một thời trẻ con
Những ngày bé tí lon ton
Theo bu ra ruộng đập hòn đất chơi
Dù đi khắp bốn phương trời
Quê hương là nửa hồn tôi mất rồi
Trải đời trôi nổi, nổi trôi
Hình ảnh thơ ấu không đời nào quên
Tháng ngày cuộc sống êm đềm
Hằn sâu ký ức bên thềm võng đưa
Cùng bạn đi tắm giữa trưa
Trốn cha trốn mẹ nắng mưa giữa trời
Tuổi thơ đầy ắp tiếng cười
Hồn nhiên thơ mộng thảnh thơi an bình
Làng quê có nghĩa có tình
Có cha có mẹ có hình thơ tôi
Dù cho đi trọn kiếp người
Làm sao quên được một thời thơ tôi
Dù cho cuộc sống nổi trôi
Quê hương luôn mãi muôn đời trong tim
Thanh Giang 16/2/2020