Chào các bạn, còn hơn 1 tháng nữa chúng ta sẽ bước sang năm mới, năm 2021. Ở Việt Nam chúng ta tết cổ truyền vào khoảng tháng 2/2021. Còn ở Nhật thì từ năm 1873, Nhật Bản theo lịch Gregorian và năm mới là ngày đầu tiên của tháng Giêng dương lịch. Đây là một trong những ngày lễ truyền thống quan trọng nhất trong năm, được tổ chức trong nhiều thế kỷ và đã phát triển phong tục độc đáo của riêng mình.
Hôm nay, Thanh Giang viết bài chia sẻ này để chúng ta cùng tìm hiểu cách trang trí của người Nhật cho năm mới nhé!
Như Việt Nam chúng ta. Ở miền bắc, hầu như nhà nào cũng trưng cành, cây đào trang trí ban thờ, phòng khách,… Cây đào có ý nghĩa về phong thủy đó là trừ tà ma, các thầy pháp thường có một cây kiếm bằng gỗ đào để làm phép trừ tà. Bên cạnh đó sẽ trưng một cây quất (trong tiếng Trung thì từ “quất” đồng âm với từ “cát”, có nghĩa là cát tường). Quả của cây quất mầu đỏ mang hành “Hỏa”, thân cây là gỗ hành “Mộc”, hoa mầu trắng mang hành “Kim”, lá mầu xanh đậm mang hành “Thủy”, đất trồng cây là hành “Thổ”. Nên trong nhà thường trưng cành đào và cây quất với ý nghĩa phong thủy và trang trí cho ngày tết thêm đầm ấm, vui vẻ,… Còn ở Trong Nam thì nhành mai, chậu hoa cúc vàng,…
Còn ở Nhật thì:
+ Treo Shimenawa trước cửa nhà
Với ý nghĩa trừ đuổi ma quỷ và chào đón những vị thần, những điều may mắn sẽ đến với gia đình. Cách trang trí của shimenawa có thể ở mỗi nhà sẽ khác nhau, nhưng nhìn chung chúng đều mang những màu sắc sặc sỡ, ấm cúng, tượng trưng cho những điều tốt lành, bình yên luôn hiện diện trong cuộc sống của gia đình ngưởi chủ của Shimenawa.
+ Đặt Kadomatsu ở cạnh cửa nhà hoặc cửa công ty
Một bó Kadomatsu truyền thống được làm bằng 3 ống tre tươi, vài cành thông được xếp theo số lẻ, Tương truyền rằng, vị thần Toshigamisama sẽ hạ giới và trú ẩn trong cành thông này. Người Nhật quan niệm rằng hạnh phúc không thể chia được và nỗi bất hạnh mới cần phải “chia hết”, đó là lý do mà các cành thông luôn được chia theo số lẻ.
Ý nghĩa tượng trưng:
Cây tre là sự dẻo dai, trưởng thành. Nhà thơ Nguyễn Duy của Việt Nam chúng ta có bài thơ rất hay về cây tre.
“Tre xanh, xanh tự bao giờ?
Chuyện ngày xưa… đã có bờ tre xanh.
Thân gầy guộc, lá mong manh.
Mà sao nên luỹ nên thành tre ơi?
Ở đâu tre cũng xanh tươi,
Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu.”
Cây thông là biểu tượng của sự vĩnh hằng, trường cửu, có thể thích ứng trong các trường hợp khắc nghiệt tới đâu vẫn xanh tốt.
Vì thế, người Nhật quan điểm rằng khi nhìn thấy hai loại cây này vào dịp năm mới thì mọi người sẽ có sức khỏe tốt và sức sống bất diệt. Ngoài vật tiêu biểu là cây thông thì người Nhật còn dùng các loại thừng bện bằng cỏ, dải giấy trắng… tượng trưng nhiều mong ước, nhiều ý niệm khác nhau cho một năm mới tốt lành.
+ Đặt Wakazari trong bếp
Wakazari là một vòng tròn, được bện bởi một đoạn dây thừng, và được kết hoa lên phía đầu, chỗ móc treo. Người ta treo Wakazari ở bếp, với ý nghĩa tạ ơn những vị thần lửa và thần nước đã đem lại cuộc sống sung túc, những bữa cơm gia đình đầm ấm cho họ. Ngoài ra, Wakazari còn được treo ở mui xe ô tô và xe đạp để cầu an toàn trong năm.
Trên đây là 3 trang trí đặc trưng của người Nhật mỗi khi đón chào năm mới, còn rất nhiều điều thú vị nữa xin chia sẻ ở những bài viết tiếp theo. Các bạn cùng tìm hiểu với Thanh Giang nhé!
Thanh Giang
Nguồn ảnh: Internet
P/S. Hãy comment những điều thú vị bạn cảm nhận được ở dưới bài viết này nhé!