Sinh ra tại một làng quê nghèo. Từ nhỏ, Thanh Giang đã được nghe các cụ trong làng truyền dạy về lịch sử của ngôi đền Từ Khảo – thôn Bến Cát – Đào Mỹ – Lạng Giang – Bắc Giang. Ngày nay, có cơ duyên tìm được về nguồn cội của vị thần mà toàn dân đang thờ cúng. Hàng năm, nhằm ngày 10/2 (Âm Lịch) dân trong làng mở hội để tưởng nhớ công đức của vị thần Nam Bình Giang.
Thanh Giang xin viết bài chia sẻ, để con em trong làng Bến Cát có cơ duyên tìm hiểu về ý nghĩa linh thiêng của ngôi đền Từ Khảo.
I. LỊCH SỬ:
TƯỚNG CÔNG LỀU VĂN MINH – NAM BÌNH GIANG ĐÔ THỐNG ĐẠI VƯƠNG
Nguồn: Tại Văn Chỉ Nơi Mộ Của Ngài
Lều tướng công sinh ngày 9 tháng giêng năm Quý Sửu, đời vua Lý Thái Tông, tại trang Cao Xá, huyện Thiên Phúc, phủ Nghệ An. Cha là Lều Chân, mẹ là Hoàng Thị, làm nghề chài lưới.
Do quê hương bị giặc xâm lấn, ngày tử nhỏ Lều Tướng Công đã theo cha mẹ phiêu dạt đến trang Thọ Xương, (làng Thương) và được Lệnh Trương là Nguyễn Công Quyền ở làng này nhận làm con nuôi.
Phu nhân của Lều Tướng Công là Phạm Thị, Hiệu Từ Ân, người trang Phú Yên (thôn Hòa Yên)
Năm 23 tuổi, Lều Tướng Công tập hợp trai tráng trong vùng thành một đội quân cảm tử, phò vua diệt giặc, lập nhiều chiến công lừng lẫy và được vua Lý Thái Tông phong làm Đô Thống Đại Tướng Quân.
Trong một trận huyết chiến trên sông thương, Lều Tướng Quân bị trọng thương rút về xứ đồng trang Kính Nhượng (làng Cung Nhượng) và thác tại đây.
Tướng công được nhà Lý phong là:
“ ĐƯƠNG CẢNH THÀNH HOÀNG ĐÔ THỐNG ĐẠI TƯỚNG QUÂN, THƯỢNG ĐẲNG PHÚC THẦN ĐẠI VƯƠNG”.
Nhà Trần, Nhà Lê, Nhà Nguyễn phong là:
“ NAM BÌNH GIANG ĐÔ THỐNG ĐẠI TƯỚNG QUÂN, KIỀM HẠT SỨ, THƯỢNG THƯỢNG ĐẲNG PHÚC THẦN TỐI LINH ĐẠI VƯƠNG”.
Đền thờ Lều Tướng Công ở thôn Hòa Yên và lăng mộ Lều Tướng Công được nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam công nhận là di tích lịch sử, văn hóa quốc gia.
Bia Mộ của ngài đề: 墓之公相𦫼 – Lều Tướng Công Chi Mộ
墓之公相𦫼 – Lều Tướng Công Chi Mộ
II. ẢNH LĂNG MỘ CỦA NGÀI
III. TÌM VỀ NƠI THỜ CHÍNH
Đền thờ và lăng mộ Lều Văn Minh thuộc phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang. Đây là di tích lâu đời của tỉnh Bắc Giang đã được nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1996.
III.1. Thần Chủ
Lều Văn Minh tên huý là Phạm Minh, ông là một nhân vật tài dũng thời Lý, có công tham gia đánh giặc Chiêm Thành từ thế kỷ thứ 11. Theo thần tích tỉnh Bắc Giang chép rằng: tại trang Cao Xá, huyện Thiên Phúc, trấn Nghệ An có một đôi vợ chồng làm nghề chèo thuyền bắt cá. Một hôm, hai vợ chồng bắt được một con rắn vàng. Người vợ định vớt để xem thì con rắn cuộn lại nhảy lên mình người vợ. Ít lâu sau, người vợ có mang và sinh hạ được một người con trai khôi ngô tuấn tú, đặt tên là Phạm Minh. Do thời loạn lạc, gia đình ông đem con tìm đến nơi khác lập nghiệp. Một hôm, đến bến sông Nhật Đức (sông Thương), trang Thọ Xương, trấn Kinh Bắc thì tự nhiên trời đất mù mịt, sóng to gió lớn, thuyền không đi được. Tại trang Thọ Xương có vị lệnh trương là Nguyễn Công Quyền đã ra cứu vớt và sau đó nhận Minh làm con nuôi. Năm 23 tuổi, Phạm Minh đã nổi tiếng tài năng, sức khỏe hơn người, được xưng là thần tử, mọi người đều quy phục.
Vào năm Can Phù, giặc Chiêm Thành đến quấy nhiễu, Phạm Minh đi tòng quân được phong đến Đại tướng quân thống lĩnh quân thủy, bộ và lập được nhiều chiến công. Do có nhiều công lao với đất nước và nhân dân, ông được triều đình phong làm Nam Bình Giang đô thống đại vương. Ông là người được vương triều nhà Lý ủy thác trông giữ lưu vực sông Thương.
Sau ngày ông mất, dân làng chôn cất ông chu đáo và lập đền thờ. Nhân dân các xã dọc đôi bờ sông Thương cũng được triều đình cho phụng thờ Lều tướng công. Có nơi gọi là Đô Thống đại vương, có nơi gọi là Minh Giang Đô thống Đại vương… Cảm phục tấm lòng trung quân, triều đình nhà Lý phong cho ông mỹ hiệu: “Đương cảnh Thành hoàng Đại tướng quân Thượng đẳng phúc thần Đại vương”. Đến thời Trần phong là: “Nam Bình Giang Đô thống đại tướng quân Thượng đẳng tối linh phúc thần đại vương”.
III.2. Thần Tích
Nhân dân địa phương còn truyền rằng, thời vua Trần Anh Tông đem quân đi đánh giặc Nguyên, qua đền Thọ Xương, giữa trưa tự nhiên nổi cơn phong ba bão táp, không sao đi được, phải đóng quân nghỉ lại. Trong giấc chiêm bao, vua thấy một người to lớn, mũ áo cân đai, hào quang rực rỡ, nói to rằng: “Tôi là Lều Nam Bình Giang sứ, hiện làm phúc thần chốn này, thấy nhà vua đi tiêu giặc, tôi xin lại giúp vua”. Nói xong biến mất. Lúc tỉnh dậy, vua sai lập đàn lễ tạ. Sau khi thiên hạ được thái bình, vua Trần ban tước phong là “Nam Bình Giang Đô thống đại tướng quân kiêm hạt Lều sứ Thượng đẳng tối linh Đại vương” và cho nhân dân sở tại tiền để hương đăng phụng sự.
Cuộc đời và sự nghiệp của Lều tướng công không chỉ được ghi vào bia ký tại đền mà còn được các triều đại phong kiến ban sắc, phong thần.
III.3. Di Tích
Trải qua thăng trầm của lịch sử, di tích đền thờ Lều tướng quân tại các làng xã dọc đôi bờ sông Thương không còn nhiều, chỉ còn một số điểm di tích thuộc huyện Lạng Giang, huyện Việt Yên, huyện Yên Thế và ở thành phố Bắc Giang là còn tồn tại đến ngày nay.
Nổi bật và bảo tồn nguyên vẹn là di tích đền thờ và lăng mộ Lều tướng công tại thôn Hoà Yên. Đây là công trình văn hoá, tín ngưỡng sâu sắc, nơi lưu niệm về danh tướng Lều Văn Minh thời Lý. Di tích là biểu tượng cao đẹp nhắc nhở thế hệ sau về lòng yêu nước chống giặc ngoại xâm của tiền nhân, đồng thời thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc ta.
III.4. Hội Lệ
Đền thờ Lều Văn Minh tổ chức hội lệ vào tiết Thanh minh hằng năm, đây là lễ mừng công nhà thánh Lều tướng quân. Trong kỳ lệ, nhân dân địa phương đem lễ vật tới lăng mộ Lều tướng công làm lễ. Sau lễ tưởng niệm ở mộ tướng công Lều Văn Minh mọi người về đền làm sự lệ và tổ chức trò vui như đu tiên, vât, cờ tướng, chọi gà, bắt vịt, bơi sải, tổ tôm…
Ghi chú:
- Vua Lý Thái Tông: Lý Thái Tông (chữ Hán: 李太宗 29 tháng 7, 1000 – 3 tháng 11, 1054) là vị hoàng đế thứ hai của triều đại Nhà Lý trong lịch sử Việt Nam, cai trị trong 26 năm (1028–1054)
- Ngài Lều Văn Minh: Sinh vào ngày 9 tháng Giêng năm Quý Sửu (1013).
- Di sản Hán Nôm >> Tên thần
5051/ 13. BẮC GIANG TỈNH LẠNG GIANG PHỦ PHẤT LỘC HUYỆN THỌ XƯƠNG TỔNG CÁC XÃ THẦN SẮC 北 江 省 諒 江 府 茀 祿 縣 壽 昌 總 各 社 神 敕
– 1 bản viết, 37 tr., 32 x 22.5, chữ Hán.
- A14/ 13
Thần sắc 4 xã thuộc tổng Thọ Xương, huyện Phất Lộc, tỉnh Bắc Giang.
3.1. Xã Châu Xuyên 珠 川: 13 tr., phong cấp vào các năm Quang Trung (1 đạo), Cảnh Thịnh (1 đạo), Bảo Hưng (1 đạo).
* Phong cho Nhất Lang Nhị Lang Tam Giang Đô Thống… Đại Vương 一 郎 二 郎 三 江 都 統…大 王
3.2. Xã Thọ Xương 壽 昌: 5 tr., phong cấp vào năm Cảnh Hưng (1 đạo).
* Phong cho Nam Bình Giang Đô Thống Lãnh Đại Tướng Quân… Đại Vương 南 平 江 都 統 領 大 將 軍…大 王.
3.3. Xã Hà Vị 河 渭: 5 tr., phong cấp vào năm Cảnh Hưng (2 đạo).
* Phong cho Cao Sơn Quý Minh Đại Vương 高 山 貴 明 大 王
3.4. Xã Hòa An 和 安: 12 tr., phong cấp vào năm Cảnh Hưng ( 3 đạo).
* Phong cho Nam Bình Giang Đô Thống Đại Tướng Quân… Đại Vương 南 平 江 都 統 大 將 軍…大 王
- Bên ngoài đền thờ ngài Nam Bình Giang tại Đền Từ Khảo có ban thờ mẫu: Phạm Thị Tuệ (Sắc phong công chúa Phương Dung Phạm Thị Tuệ – Ông Ước chia sẻ)
Thanh Giang – 28/12/2020 (15/11 Canh Tý)