Ở Nhật Bản, câu cảm ơn là câu cửa miệng của hầu hết mọi người. Nếu là người nước ngoài đến sống ở Nhật thì sẽ cảm thấy có điều gì đó rất khác lạ như: Mỗi lần đi vào quán ăn xong và đi ra về thì các nhân viên đồng loạt hô cám ơn, đi xuống xe bus thì người lái xe cũng cám ơn, hay làm bất cứ một việc gì cho nhau thì kết thúc họ cũng sẽ nói lời cám ơn,…

Tham gia nhiều diễn đàn, Thanh Giang thấy nhiều bạn trẻ Việt Nam chia sẻ rằng người Nhật sống quá khách sáo, khi suốt ngày chào và cám ơn. Nhiều khi chẳng có gì cũng cám ơn… Thật ra đó là chúng ta chưa cảm nhận được văn hóa khiêm nhường của người Nhật. Không phải người Nhật nào cũng tốt 100%, có người thế này, người thế khác. Nhưng xét trên phương diện chung, thì hầu hết người Nhật họ sống rất khiêm tốn, nhún nhường và tránh làm phiền người khác.

Nếu bạn nào có con và gửi con học trong các trường mẫu giáo, tiểu học ở Nhật. Các bạn sẽ cảm nhận được, cách giáo dục trẻ em của Nhật. Là dạy cho bọn trẻ cách sống hòa đồng và biết ơn giá trị cuộc sống mà chúng đang nhận được.

Chính hằng ngày, từ việc nhỏ nhất đều nhắc nhở con người sống phải biết ơn người đã giúp mình, người đã cho mình cơ hội, … Như trước khi ăn, người Nhật nói Itadakimatsu (là thể lịch sự của Moraimatsu ). Từ này có nghĩa là đón nhận, cám ơn những con vật đã hy sinh thân mạng để tôi có một bữa ăn ngon, cám ơn người nông dân lao động vất vả để tôi có được bữa ăn như này,… Giống như ông cha ta thường dạy con cháu rằng: “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Khi sống trong gia đình thì phải biết ơn tổ tiên ông bà cha mẹ, khi ra đời học tập phải biết ơn thầy cô giáo đã dạy dỗ, ra đời cám ơn bạn bè đã chia sẻ cơ hội và giúp đỡ khi khó khăn, về nhà thì cám ơn vợ vì hy sinh cả đời cho mình,… Nhưng ở Việt Nam chúng ta nói lời cám ơn có lẽ là quá khó, vì chúng ta không nói nó hằng ngày. Nên khi nói ra chúng ta cảm thấy ngượng mồm, nếu ai đó nói lời cám ơn thì ta lại cảm thấy là khách sáo. Còn ở Nhật thì họ học và hành liên tục, lâu dần nó trở thành tiềm thức. Nên khi chúng ta sang đó chúng ta sẽ cảm thấy có điều gì đó không thoải mái là điều rất bình thường.

Có lần trong lớp chia sẻ kỹ năng của Thanh Giang. Thanh Giang có đưa ra một bài tập đó là: Bạn hãy lấy điện thoại lên và nhắn tin cho cha mẹ của mình là: “Con nhắn tin này để gửi lời cám ơn cha mẹ đã nuôi nấng, yêu thương và hy sinh cả đời để cho con được học tập và cuộc sống tốt nhất”

Các bạn có biết điều thú vị gì xảy ra không ạ? Đó là 1-2 phút sau thì nhận được những tin nhắn hay cuộc gọi từ cha mẹ đại loại như:

Con bị làm sao à? Hết tiền rồi à con? Chắc lại làm gì có lỗi à? … Đại loại là những tin phản hồi làm bạn vô cùng ngạc nhiên. Nếu bạn đọc được chia sẻ này, bạn hãy làm một phép thử này xem thế nào nhé!

Hay những bạn đã có chồng, vợ rồi. Thử nhắn tin cho vợ hay chồng của mình tin nhắn như: “Em cám ơn anh/em đã luôn chia sẻ, yêu thương và đồng hành cùng em/anh. Em/Anh yêu anh/ Em” để xem bạn sẽ nhận lại được tin nhắn thế nào nhé! Hãy thử đi bạn, câu trả lời bạn nhận được sẽ vô cùng thú vị đó.

Nhiều lần, Thanh Giang thấy có bạn chia sẻ: Mình giúp nó bao nhiều việc, thế mà một câu cám ơn cũng không có. Hay như, mình cho nó vay tiền, nó không biết ơn mà còn quay lại chửi,… Đó, trong tâm chúng ta cũng muốn khi mình làm điều gì đó cho người khác, cũng chỉ cần nhận lại một câu cám ơn thôi. Nhưng người được giúp đỡ để nói được một câu cảm ơn sao mà khó thế. Nên nhiều lúc chúng ta đang mâu thuẫn đúng không? Khi không muốn nói lời cám ơn, nhưng lại muốn người khác nói lời cám ơn với mình.

Khi nào ngồi yên một chỗ, bạn thử suy ngẫm xem cuộc đời này ngắn hay dài như thế nào? Có phải là cuộc sống này, dù ngắn dù dài thế nào thì cũng chỉ là trong một hơi thở đúng không các bạn. Vậy, khi chúng ta cần cám ơn ai, hãy làm ngay đi. Hãy thực hành nó hằng ngày để chúng ta biết trân trọng hơn cuộc sống. Khi chúng ta nói được lời cám ơn, cũng là một lần nhắc nhở chính bản thân chúng ta phải sống tốt hơn. Để cho đi những điều giá trị với xã hội, để cảm nhận lời cám ơn của người đối diện khi ta chia sẻ với họ. Mặc dù, có thể việc đó vô cùng nhỏ đối với ta vì: “Không có những việc nhỏ, thì làm sao có được những việc lớn” phải không các bạn. Nếu chúng ta không làm được cách cám ơn như Mr. Đặng Lê Nguyên Vũ – Trung Nguyên khi cám ơn người mà đã cho mình vay tiền, thì chí ít bạn cũng hãy nói lời cám ơn các bạn nhé!

Gửi các bạn đang có cơ hội học tập, trải nghiệm cuộc sống, cũng như văn hóa của Nhật. Các bạn hãy tĩnh tâm và học những cái hay, những điều tốt đẹp. Tất nhiên chẳng có nơi đâu đẹp hơn quê hương của mình, vì đó là nơi “chôn nhau, cắt rốn” là nơi bạn sinh ra với cả một trời ký ức tuổi thơ. Nhưng, các cụ nhà ta thường dạy con cháu “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Nên hãy học, trải nghiệm và thực hành các bạn nhé! Trong bài chia sẻ về học gì từ cách chào của người Nhật. Thanh Giang trao đổi: Các bạn không cần học hỏi những gì quá lớn lao, mà hãy học từ những việc nhỏ nhất. Đơn giản như việc học từ cách cúi chào của người Nhật. Hôm nay, Thanh Giang chia sẻ bài viết nhỏ này cũng chỉ với một lời chia sẻ đó là: Chúng ta hãy học và thực hành văn hóa cám ơn này, vì nó giúp chúng ta có cuộc sống ý nghĩa hơn và đi đâu cũng sẽ có nhiều người bạn tốt.

Đây là góc nhìn cá nhân, rất mong nhận được sự chia sẻ của các quý bạn bè.

Trân trọng cám ơn các bạn, đã dành thời gian quý báu của mình để đọc chia sẻ này.

Thanh Giang.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *