BÀI XƯỚNG LỄ: TRONG LỄ TẾ THẦN

A- VỀ NHÂN SỰ ĐỘI TẾ

Đội tế đủ và hoàn chỉnh gồm: 18 vị, Kiêm nhiệm còn 12 vị cũng tiến hành lễ được.

1- Chủ tế: 1 vị: Là người có uy vọng nhất làng; Tuổi từ 70 trở lên, có sức khỏe và được đa số các cụ ông chấp thuận; Khi cần có thể thay bằng cụ 69,68 tuổi.

2- Bồi tế: 2 vị: Là người có tín nhiệm với làng và các cụ.

3- Nội tán: 2 vị: Là 2 người đứng 2 bên Chủ tế, để dẫn Chủ tế đi ra, đi vào, đi lên, đi xuống (như trợ lý thủ trưởng).

4- Đông xướng: 1 vị: Có giọng tốt, không nói ngọng: Là người điều hành, dẫn dắt cả khỏa lễ.

5- Tây xướng: 1 vị: Có giọng tốt, không nói ngọng: Là người xướng họa lại, khi cụ Đông xướng hô “BÁI” thì cụ Tây xướng hô “HƯNG”.

6- Điển văn: 1 vị: Là người viết “Chúc văn”, phải chữ đẹp, rõ ràng.

7- Độc văn: 1 vị: Là người tuyên đọc Chúc văn; không ngọng, lắp.

8- Đồng văn: 2 vị: 1 vị đánh trống, 1 vị đánh chiêng.

9- Chấp sự: 7 vị: 3 vị dâng rượu (1 chính, 2 phụ), 2 vị đăng hương, 1 vị phủng (đưa) chúc văn, 1 vị hóa (đốt) chúc văn.

Tổng cộng là: 18 vị: Là đội tế hoàn chỉnh.

Tùy từng nơi và điều kiện thực tế (nhân sự) mà bố trí kiêm nhiệm, rút gọn thành một đội tế gồm: 

1- Chủ tế: 1 vị.

2- Bồi tế: 2 vị: 1 vị viết Chúc văn và kiêm là Tây xướng

                                   1 vị đọc Chúc Văn

3- Đông xướng: 1 vị, dẫn dắt, điều hành lễ tế.

4- Nội tán: 2 vị, trợ lý 2 bên Chủ tế. 

5- Đồng văn: 2 vị, đánh trống, chiêng hành lễ.

6- Chấp sự: 4 vị: 2 vị dâng rượu kiêm đưa chúc văn

                                       2 vị đăng hương kiêm hóa Chúc văn.

Vậy còn 12 vị cũng đủ thực hiện hoàn chỉnh một khóa lễ tế thần. Ngoài ra còn có đội nhạc lễ (nếu có).

B – VỀ NGHI THỨC, THỦ TỤC TẾ.

Yêu cầu: Phải chuẩn bị đầy đủ, chu đáo, tôn nghiêm, trang trọng.

1- Đủ các đồ tế

Rượu, hương (trầm), thau nước sạch đặt trên giá; khăn mặt sạch, khay, đĩa để dâng rượu, hương, Chúc văn, lộc,… lư hương, thau để hóa chúc văn; khay có lót 1 vuông vải đỏ.

2- Sắp xếp, trang hoàng nơi tế

Phải theo đúng quy định, tôn nghiêm, trang trọng, đẹp.

  • Bàn hương án phải đạt nơi trang trọng nhất, bầy biện đồ thờ, lễ vật theo tuần tự và đúng vị trí; Chú ý bố trí đường đi khi Chủ tế đi củ soát, dâng rượu, đăng hương,… không bị cản trở.
  • Trước hương án: Trải 4 chiếu đẹp theo đúng thứ tự:

+ Chiếu 1: Là chiếu Thần vị (gần hương án nhất).

+ Chiếu 2: Là chiếu thụ tổ, ẩm phước (sau chiếu 1).

+ Chiếu 3: Là chiếu Chủ tế (sau chiếu 2).

+ Chiếu 4: Là chiếu Bồi tế (sau chiếu 3).

(Cũng có thể giảm chiếu 2 và dùng chung và chiếu Chủ tế).

  • Hai bên (tả, hữu) 4 chiếu đặt mỗi bên 1 bàn: Một bàn đặt đài rượu (đủ 3 chiếc chén và 1 be rượu): Chấp sự dâng rượu đứng tại bàn này; Bàn bên, đặt lư hương, trầm, nến, Chúc văn; Chấp sự đăng hương đứng tại đây.
  • Lễ phục tế: phải theo quy định, đúng, đủ, gọn gàng (tuyệt đối không được nhầm lẫn, thiếu đồng bộ)
  • Các thành viên đội tế phải giữ đúng vị trí quy định, thực hiện chuẩn các động tác trong hành lễ.

3- Tiến hành lễ tế:

Các thành viên đội tế đã sẵn sàng ở vị trí quy định: Đứng sau (ngoài) chiếu 4 là Chủ tế đứng giữa, bồi tế, nội tán, độc văn, đồng văn đứng hàng ngang sau chủ tế 1 bước; Chấp sự đứng ở 2 bàn bên; Đông, Tây xướng đứng ở vị trí gần 2 đầu 2 bàn của chấp sự. Đồng văn sẽ rời trước theo hiệu lệnh của đông xướng.

Một khóa lễ tế thường thực hiện 3 lần liên tục, theo tuần tự sau: Do cụ Đông xướng (xướng tế) điều khiển: 

1)- Khở chính cổ, cắc tam nghiêm: Nổi chiêng, trống 3 hồi.

2) – Nhạc sinh tựu vị: Đội nhạc ngồi vào vị trí cử nhạc (Không có nhạc thì đánh trống lễ)

3)- Củ soát tế vật: Kiểm soát lễ vật; Hai chấp sự đăng hương cầm đèn (nến), khay đĩa, hướng dẫn Chủ tế vào nội điện xem xét lễ vật.

4)- Ế mao, huyết: Bỏ lông, máu.

5)- Chấp kỳ giả, các từ kỳ sự: Là báo các tế quan và chấp sự quan (mọi người) sẵn sàng hành lễ.

6)- Tế chủ cập, các chấp sự giải nghệ quán tẩy sở: Chủ tế, bồi tế, các chấp sự cùng đến chỗ rửa tay, rửa mặt.

7)-Thế cân: Lau khô tay, mặt.

8)- Bồi tế quan tựu vị: Bồi tế tiến 3 bước vào chiếu 4, đứng 2 bên.

9)- Chủ tế quan tựu vị: Chủ tế tiến 3 bước vào chiếu 4, đứng giữa 2 bồi tế.

10)- Thượng hương: Lễ dâng hương; Chủ tế, bồi tế cùng tiến lên chiếu 1; 2 chấp sự đăng hương cùng tiến vào dâng lưu hương và hộp trầm cho Chủ tế; Chủ tế nhận lấy, rồi quỳ vái 3 vái xong, 2 bồi tế giupos chủ tế cho trầm (hoặc thay trầm bằng hương) vào lư và đốt, Chủ tế đưa lư hương cho chấp sự đăng hương đặt lên hương án đúng theo vị trí quy định.

11)- Nghênh thần cúc cung bái: Tế chủ và bồi tế lạy 4 lạy theo hiệu nhịp, đông xướng “Bái”, tây xướng “Hưng”.

12)- Bình thân, phục vị: Chủ tế, bồi tế đứng nghiêm vái 1 vái rồi lùi về chiếu 3 (chiếu chủ tế).

13)- Hành sơ hiến lễ: Dâng rượu lần 1(tuần 1); Tế chủ lên đài rượu (lên chỗ đặt be rượu).

14)- Nghệ tửu tương sở, tửu tương giả cử mịch: 1 nội tán mở đài rượu.

15)- Chước tửu: Rót rượu, Chủ tế rót rượu xong, đi xuống về chỗ cũ.

16)- Nghệ hương án tiền: Tế chủ và 2 nội tán lên chiếu 1.

17)Quỵ: quỳ, mọi người ở chiếu cùng quỳ; Rượu chính bên phải (hữu), rượu phụ bên trái (tả)

18)Tiến chước: 1 nội tán dâng đài rượu

19)Hiến tước: Dâng rượu; Tế chủ vái 1 vái; 2 nội tán đi 2 bên dâng cao đài rượu đi vào nội điện cùng Tế chủ; Và đặt rượu lên hương án (bàn thờ) ở nội điện.

20)Phủ phục “bái”; Tế chủ cùng nội tán cúi lậy 1 lậy.

21)“Hưng” Đứng lên.

22)Bình thân, phục vị: Đứng nghiêm, rồi cả Tế chủ, nội tán trở về chỗ cũ (chiếu 3).

23)Độc chúc: Chuẩn bị đọc Chúc văn.

24)Nghệ độc chúc vị: Tế chủ lên chiếu 1; 1 chấp sự phủng (mang) văn tế ra (chiếu 1).

25)Giai quỵ: Tất cả (Tế chủ, nội tán, người chuyển, người đọc chúc văn) đều quỳ.

26)Chuyển chúc: Người chuyển chúc văn, đưa chúc văn cho Tế chủ xong thì lùi về sau; Tế chủ nhận, vái 1 vái, rồi đưa cho người đọc chúc văn. Hoặc Tế chủ trực tiếp đọc.

27)Tuyên Chúc: Đọc Chúc văn; Người đọc chúc văn xong, lại giao chúc văn cho Tế chủ, Tế chủ dâng chúc văn vái 1 vái, rồi giao cho người chuyển chúc văn đạt vào chỗ cũ.

28)Phủ Phục: Tế chủ cúi lậy rồi đứng lên lễ 2 lễ theo nhịp Đông xướng “Bái”, Tây xướng “Hưng”.

29)Bình thân, phục vị: Tế chủ đứng lên vái 1 vái rồi về chiếu 3.

(Kết thúc dâng rượu lần 1- tuần 1)

30)- Hành á tiến lễ, nghệ tửu án tiền: Lễ hiến rượu tuần 2; (thứ tự làm như tuần đầu, bắt đầu tư câu 15 đến câu 22).

31)- Hành trung hiến lễ, nghệ tửu tôn sở: Lễ hiến rượu tuần 3 (Làm như tuần 1, câu từ 15 đến câu 22).

32)- Quân hiến ẩm phước: (lễ tượng trưng) Thần ban phước lộc cho dân. Tế chủ thay mặt toàn dân nhận phước lộc. (là một ân huệ lơn Thần ban).

33)- Nghệ ẩm phước vị: Tế chủ lên vị trí ẩm phước (chiếu 2).

34)- Ẩm phước: Uống rượu; 1 nội tán tiến vào nội điện lấy 1 chén rượu ở giữa mang ra và quỳ dân cho Tế chủ; Tế chủ nhận rượu vái 1 vái và uống chén rượu lộc thay cho dân.

35)- Thụ tộ: Nhận lộc; Tế chủ ăn 1 miếng trầu thay cho miếng thị vai (do 1 nội tán dâng)

36)- Phủ phục: Tế chủ vẫn quỳ, sau đó dạy lễ 2 lễ theo hiệu nhịp Đông xướng, Tây xướng.

37)- Bình thân phục vị: Chủ tế dạy và đứng nghiêm.

38)- Tạ lễ, cúc cung bái: Tạ lễ; Chủ tế, bồi tế, nội tán,… tất cả đứng lên lễ 4 lễ theo hiệu nhịp Đông xướng “Bái”, Tây xướng “Hưng”.

39)- Bình thân: Mọi người đứng nghiêm.

40)- Phần chúc: Hóa chúc văn; 1 nội tán mang chúc văn đi hóa.

41)- Lễ tất: Lễ xong; Tất cả đứng cùng vái 2 vái theo hiệu nhịp trống lễ và người xướng lễ.

Trên đây là nội dung tóm tắt; Khi thực hành sẽ hướng dẫn thêm.

Ghi chú:

  • Quan hiến ẩm phước: Khi tế xong, Thần có ban phẩm vật còn thừa lại; Đây là một ân huệ lớn cho dân làng (Người chủ tế “ẩm phước, thụ tộ” là tượng trưng thay mặt dân nhận ban ơn huệ của Thần).
  • Ẩm phước: Tức là uống rượu có phúc trạch của Thần.
  • Thụ tộ: Là nhận miếng thị vai (tộ lả thịt vai); Nhưng thường dùng miếng trầu thay miếng thịt.
  • Ế mao huyết: là bỏ lông, bỏ huyết (máu); Trong buổi lễ, người chấp sự cầm một cái đĩa có để một ít tiết và mấy cái lông trâu/bò/lợn để ruồi đổ đi; Đây là tượng trưng sau khi chủ tế soát lễ vật, trừ bỏ hết mọi tạp chất chỉ còn lại những thứ tinh túy để tế Thần.

Tế lễ thần (ảnh minh họa)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *