Lời Ngỏ:

LỊCH SỬ THẦN TƯỚNG
NAM BÌNH GIANG

Kính thưa các cụ, các ông, các bà, cùng toàn thể nhân dân thôn Bến Cát, xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang!
Đồng kính thưa quý khách thập phương gần xa!
Từ nhỏ, Thanh Giang thường được nghe các cụ trong làng kể về sự linh thiêng của ngôi Đền Từ Khảo bên bờ sông Thương. Đặc biệt là Cụ Nguyễn Văn Ước và cụ Nguyễn Viết Tấc.
Các cụ kể rằng: “Ngôi Đền này từ lâu lắm rồi, khi ngôi làng bắt đầu có người ở thì chẳng ai biết được ngôi Đền này đã được xây dựng từ bao giờ.”
Khi hỏi về lịch sử vị thần thờ trong Đền, thì cũng chỉ nghe các cụ truyền dạy lại rằng thờ Ngài Nam Bình GiangMẫu Phạm Thị Tuệ. Còn lịch sử thế nào thì chẳng ai biết. Vì ngôi Đền bị chiến tranh tàn phá quá nặng nề, các cụ trong làng không lưu giữ được văn chỉ một cách chính thống, mà chỉ là truyền miệng từ thế hệ này qua thế hệ khác. Trải qua thăng trầm của lịch sử. Nguồn gốc xưa dần bị mai một.
Để hiểu rõ lịch sử: Là một người con của quê hương, tự hào về ngôi làng mình đã sinh ra và lớn lên. Thanh Giang đi tìm hiểu về nguồn gốc thờ thần của ngôi Đền với lòng thành kính thiết tha. Như được Thần linh chỉ dẫn. Thanh Giang đã tìm được về nơi, ghi rõ nguồn gốc của vị thần linh thiêng của ngôi đền Từ Khảo, mà nhân dân thôn Bến Cát nói riêng và toàn thể nhân dân xã Đào Mỹ, cùng quý khách thập phương nói chung. Cứ tuần rằm, mùng một, ngày lễ hàng năm về Đền để chiêm bái cửa Ngài với lòng thành kính, ghi nhớ ơn đức của thánh Nam Bình Giang và Mẫu Phạm Thị Từ Ân

Thanh Giang xin làm bài thơ về sử tích của Ngài Nam Bình Giang và Mẫu Phạm Thị hiệu Từ Ân theo lối thơ lục bát gồm: 80 khổ – 320 câu. Bài thơ như một nén tâm hương của người con xa xứ, để tạ ơn vị thần linh đã luôn phù hộ muôn dân lưu vực sông Thương.
Thanh Giang cũng xin chép lại thần tích của Ngài, để nhân dân và khách thập phương cùng tỏ.

I – THƠ LỊCH SỬ NGÀI NAM BÌNH GIANG VÀ MẪU PHẠM THỊ HIỆU TỪ ÂN

Thần Tướng Nam Bình Giang lược sử
(Tướng quân Lều Văn Minh)

1. Lịch sử trên bốn ngàn năm.
Mỗi khi giặc giã xâm lăng nước nhà.
Địa linh khí tụ sinh ra
Hào kiệt diệt giặc, nước nhà bình an.

2. Ngược về triều Lý nước Nam
Đi tìm sử tích an bang tướng tài
Nam Bình Giang hiệu của Ngài
Được phong Thần Tướng cả hai đại triều.

3. Lý, Trần xưa vẫn còn nêu
Văn bia ghi chép đức Lều tướng quân
“Sinh phù Lý, tử phù Trần”
Tạ ơn công đức nhân dân phụng thờ.

4. Thần tướng phụng ý Thiên cơ
Hạ sinh đánh giặc, phất cờ phò vua
Tháng giêng, Quý Sửu năm xưa
Nhằm ngày mùng chín là vừa đản sinh

5. Tục danh là Lều Văn Minh
Khôi ngô tuấn tú, diện minh hơn người
Mẹ cha đạo đức ở đời
Làm nghề chài lưới vùng trời Nghệ An

6. Thiên Phúc huyện, Cao Xá trang
Tháng ngày hạnh phúc, tình làng nghĩa dân
Danh cha hồng đức Lều Chân
Mẫu là Hoàng Thị đức ân muôn đời

7. Tích xưa kể lại ý trời
Về việc hạ giới làm người trần gian
Của đại thần tướng nước Nam
Hữu duyên thiên ý dương gian giáng phàm

8. Bấy giờ ở Hồ Khẩu trang
Thuộc miền bản trấn Bình Giang lưu hà
Có một đoạn khúc sông xa
Đáy sông thăm thẳm như là thung sâu

9. Ông bà tìm tới thả câu
Chèo thuyền kéo lưới dưới sâu ngư nhiều
Thiên duyên vào một buổi chiều
Kéo được mẻ lưới gặp điều hữu hy

10. Mẻ lưới thì chẳng có gì
Ngoài con xà lạ chỉ duy vướng vào
Vợ chồng chẳng biết làm sao
Nhìn nhau lòng cứ xôn xao hỏi lòng

11. Hoàng xà thì cuốn thành vòng
Nằm trong đống lưới dưới sông uốn mình
Rồi xà bỗng bất thình lình
Cuốn chặt người vợ như tình mẫu thân

12. Người vợ hoảng hốt thất thần
Lấy tay gỡ rắn khỏi thân của mình
Rắn kia là rắn thần linh
Khi dùng tay gỡ, biến hình mất ngay

13. Từ đó cảm động tới ngày
Mang thai sinh hạ được ngay trai hiền
Vợ chồng biết đó ý thiên
Ban cho quý tử hữu duyên một nhà

14. Nhìn con diện mạo thật là
Khôi ngô, sáng sủa ông bà vui sao
Vạch lưng thì thấy đằng sau
Một hình vẩy rắn như mầu dấu thiên

15. Ông bà liền vội đặt tên
Cho con để tạ ơn trên độ trì
Văn Minh tục danh hữu tri
Từ đó nuôi nấng rất thì thương yêu

16. Nửa năm an sự muôn chiều
Rồi đâu bỗng họa bao điều trái ngang
Thương thay dân xứ Bình Giang
Giặc Ngô xâm chiếm tan hoang cửa nhà

17. Bọn giặc từ xứ phương xa
Đồn quân đóng trú dựng nhà trấn dân
Biết vậy vợ chồng Lều Chân
Quyết định chạy giặc thoát thân an toàn

18. Tháng ngày vất vả lo toan
Lênh đênh sông nước tìm trang an lành
Một ngày trời nắng trong xanh
Ở xứ Kinh Bắc đất lành phúc ân

19. Thuyền xuôi vào nhánh Giang Tân
Ngược dòng Nhật Đức hỏi dân tìm đường
Đến trang địa phận Thọ Xương
Trời bỗng nổi gió bốn phương mịt mùng

20.. Gió to, sóng lớn hãi hùng
Thuyền con bị lật vô cùng nguy nan
Nguyễn Công Quyền người thôn trang
Ngoại lục tuần, vẫn sẵn sàng cứu nguy

21. Ở làng ông sống nghĩa nghì
Cứu nhân độ thế gian nguy chẳng nàn
Ra tay cứu vớt về làng
Hỏi han câu chuyện rõ ràng phân minh

22. Lều Chân kể rõ sự tình
Vì sao cơ sự gia đình ly hương
Quê hương giặc dã tai ương
Dân tình khốn khổ nhiễu nhương trăm điều

23. Công Quyền tỏ rõ mọi điều
Mời cùng ở lại sớm chiều thôn trang
Coi như dân gốc người làng
Cùng nhau sinh sống bình an cuộc đời

24. Cảm phiền ơn đức của người
Lều Công muốn chuyển tìm nơi lập nhà
Mấy lần ý định đi xa
Bão giông lại nổi giăng ra cản đường

25. Nên đành cư ngụ Thọ Xương
Thuận theo thiên ý, định phương nương nhờ
Thời gian thấm thoắt thoi đưa
Bốn năm năm ấy như vừa hôm qua

26. Xa quê cám cảnh nhớ nhà
Muốn được thăm lại quê xa một lần
Nhưng đi thì lại phân vân
Về cậu con nhỏ, Lều Chân tính bàn

27. Nguyễn Công Quyền người thôn trang
Lại sống nhân đức đàng hoàng nghĩa nhân
Vợ chồng thọ nhận đức ân
Gửi con xin được làm phần con nuôi

28. Rồi vợ chồng ngược về xuôi
Khi Lều Minh sáu tuổi đời thương sao
Từ đó chẳng có khi nào
Lều Công ngược lại biết bao thương sầu

29. Thời gian như nước qua cầu
Lều Minh được đấng đỡ đầu dưỡng nuôi
Thiên tư dĩnh ngộ tính trời
Phong dung tướng mạo người đời mến yêu

30. Học hành chăm chỉ sớm chiều
Văn ôn võ luyện mọi điều tinh thông
Vũ dũng tài trí như thần
Nghĩa Nhân Tài Đức mười phân vẹn mười

31. Đến năm mười chín tuổi trời (19)
Du sơn lạc thủy tìm người tài cao
Tập hợp khắp trốn anh hào
Cùng nhau tụ lại kết giao thi tài

32. Uy danh thiên đức của Ngài
Tính tình phóng khoáng ai ai tôn sùng
Nổi danh cả khắp một vùng
Biết bao thần tử xin cùng lập thân

33. Nước Nam như cảnh mùa xuân
Nhân dân yên thưởng đức ân Lý triều
Âu ca hạnh phúc sớm chiều
Nam phụ lão ấu nhiễu điều giá gương

34. Càn Phù niên hiệu đau thương
Chiêm Thành xâm lấn quê hương điêu tàn
Dân lành lâm cảnh lầm than
Giặc đến cướp phá bạo tàn quỷ ma

35. Năm ấy Ngài tuổi hai ba (23)
Chứng kiến cảnh tượng thật là nhiễu nhương
Nhà Vua cử tướng tìm đường
Cầm binh diệt giặc nhưng thường bị thua

36. Lý Thánh Tông ấy đức vua
Ban chiếu tìm tướng giúp vua diệt thù
Càn Phù Hữu Đạo mùa thu
Triều đình thông cáo chiếu thư cầu tài

37. Tập hợp trai tráng cùng Ngài
Cùng nhau luyện tập sớm mai không nàn
Khó khăn gian khổ chẳng than
Bền tâm quyết trí, vững vàng lòng son

38. Quyt diệt giặc dạ chẳng mòn
Trước quân thề lớn vẫn còn tới nay
“Sinh ra trong cảnh thời này
Lưu danh sử sách cho ngày mai sau”

39. Nhà Vua hay tin, đã mau.
Vời cung yết kiến phong hầu Tướng quân
Giao cho binh bộ, thủy quân
Ngài cầm đánh trận khí lân sáng ngời

40. Tả xung hữu đột giữa trời
Điều binh khiển tướng như chơi đánh cờ
Dụng quân biết dựa thiên cơ
Luồn sâu đánh thẳng bất ngờ tập trung

41. Quân ta đánh thế thung dung
Tướng giặc hoảng loạn lung tung chạy càn
Giặc kia tiến thoái lưỡng nan
Đánh được hai trận đầu hàng võ quan

42. Bình giặc thu cả giang san
Đất nước yên thái vững vàng trời Nam
Quân ta đại thắng vẻ vang
Tướng quân lưu dấu, huy hoàng tuổi xanh

43. Nhà Vua phong tước xướng danh
Ngài Đại Đô thống uy danh Lý triều
Ban cho đại tướng họ Lều
Trấn phần lưu vực sớm chiều Thương Giang

44. Được phong lập đất ấp thang
Ngài xin trở lại ngôi làng Thọ Xương
Về thăm lại bến sông Thương
Về vui với cảnh quê hương thanh bình

45.Trở về làng cũ thắm tình
Cùng khao dân tướng quân binh sớm chiều
Muôn dân rất mực thương yêu
Tình dân nghĩa nước muôn điều đắm say

46. Cùng nâng lên chén rượu cay
Ôn bao kỷ niệm tháng ngày bên nhau
Thương Giang nước chảy xanh màu
Nhân dân nhớ mãi những câu của Ngài

47. “Khi sống làm Tướng dùng tài
Đánh giặc cứu nước một hai chẳng nề
Khi thác thì sẽ hiện về
Phù hộ dân chúng bốn bề bình an”

48. Quân dân nhất mực hô vang
Khi nghe câu thệ võ quan Nam Bình
Sống luôn chính nghĩa quang minh
Nhân dân hạnh phúc ấm tình an vui.

49. Trải qua ba tháng ngọt bùi
Quân Chiêm lại lén đưa người đánh sang
Bất ngờ trong cảnh nguy nan
Giữa trận huyết chiến muôn vàn đao thương

50. Quyết đánh giặc, ngài bị thương
Rút về qua chốn quê hương vợ hiền
Là địa phận làng Phú Yên
Cánh đồng ở trước cửa tiền của trang.

51. Ngài nằm không có thuốc thang
Mối kia xông nửa vội vàng bước đi
Đến đồng Kính Nhượng trời thì
Bỗng nhiên sầm tối ầm ì gió mưa.

52. Trời thương trời khóc tiễn đưa
Ngài về tiên giới giữa mùa tháng năm
Hai ba âm lịch Ngài nằm (23/5)
Giữa đồng Kính Nhượng mối xông nấm đầy.

53. Chiếc mũ Ngài vẫn còn đây
Nhân dân ghi dấu lập ngay mộ phần
Mả Vua xứ đó muôn dân
Đặt cho tên gọi ân cần tôn vinh

54. Thọ Xương ghi lại nghĩa tình
Lập miếu thờ cúng thần linh tướng Lều
Bên dòng Giang Tân mến yêu
Nhân dân thần tử sớm chiều khói hương

55. Ngài đi để lại xót thương
Giặc kia quay lại nhiễu nhương dân lành
Ngẩng mặt lên vấn thiên thanh
Ông trời có thấu dân lành đắng cay?

56. Vợ Ngài đã đứng lên thay.
Cầm quân đánh giặc, vững tay báo thù
Bọn giặc tan tác lá thu
Rút quân về nước thiên thu nhớ đời.

57. Đã sinh ra kiếp làm người
Sống sao danh để nghìn đời không quên
Thân tuy nhi nữ phận hèn
Nhưng giặc đã đến một phen chẳng từ

58. Thay chồng đánh giặc vẫn như
Hai Bà Trưng đó ngàn thu sử vàng
Ngẫm mình duyên phận bẽ bàng
Tình duyên chia cách hai hàng lệ rơi.

59. Nước nhà yên ấm nơi nơi
Nhân dân hạnh phúc, đắc thời bình an.
Khi lũ giặc cướp đã tan
Bà về bên bến Thương Giang khóc chồng

60. Một lòng thủ tiết thờ chồng
Phu Nhân tuẫn tiết bên dòng Thương Giang
Bến sông bà thác gần trang
“Bến Bà” từ đó dân làng đặt tên

61. Năm ấy tháng chín không quên
Hăm hai kỵ nhật thác lên cùng chồng (22/9)
Ghi lại ân đức Tướng ông
Triều Lý ban chiếu phong công Tướng thần

62. Đương Cảnh Thành Hoàng của dân
Ngài Đô Thống Đại Tướng Quân cát tường
Thượng Đẳng Phúc Thần Đại Vương
Lập Đền, lập miếu khói hương phụng thờ.

63. Dọc bờ Thương biếc lơ thơ
Nhiều Đền bái vọng tôn thờ Đức Ông
Cùng Bà Phạm Thị bên chồng
Nhân dân ghi khắc ân công hai thần

64. Ngài còn hiển giúp nhà Trần
Đánh tan quân giặc Nguyên Mông hung tàn
Sử sách ghi chép rõ ràng
Lưu lại cuộc chiến huy hoàng thủa xưa

65. Trần Anh Tông ấy vị vua
Cầm quân đánh giặc giữa trưa ngoài đồng
Khi quân chuẩn bị vượt sông
Thì trời nổi gió bão giông mịt mùng

66. Phú Yên trang, quân lính dừng
Nghỉ chờ tan gió bão bùng rồi qua
Giữa cơn giông bão hiện ra
Một người to lớn hô là Lều công

67. Hào quang rực rỡ giữa dòng
Cân đai, áo mũ tầng không tâu rằng
Tôi là Lều – Nam Bình Giang
Hiển linh phò giúp san bằng giặc Nguyên

68. Nói xong Ngài biến mất liền.
Nhà Vua hỏi chuyện dân hiền trình thưa
Hiểu rõ sự tích, đức Vua
Lập đàn cúng tế bên bờ sông Thương.

69. Thúc quân xông thẳng chiến trường
Đánh vào trại giặc như cuồng phong ba
Giữa trận tiền, luôn hiện ra
Một người cao lớn thực là dũng uy

70. Tiếng vang như sấm truyền đi
Quân Nguyên hoảng sợ, ngựa phi nháo nhào
Quân ta thế thắng ào ào
Tiến lên vũ bão, đánh vào trung quân

71. Nguyên – Mông kinh sợ thất thần
Giẫm đạp tháo chạy, rút quân đầu hàng
Nhà vua toàn thắng vinh quang
Tri ân âm đức, vua ban sắc thần

72. Nam Bình Giang Đại Tướng Quân
Đô Thống – Kiềm Hạt Sứ thần sông Thương
Phúc Thần Tối Linh Đại Vương
Thượng Đẳng thần tướng, khói hương ân cần

73. Mẫu Phạm Thị hiệu Từ Ân
Lý, Trần, Lê, Nguyễn triều – thần sắc phong
Trang Huy – Vi Trai Tĩnh
Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần
Sông Thương lưu vực, nhân dân phụng thờ.

74. Con nay xin viết câu thơ
Ghi lại công đức tôn thờ tướng quân
Nam Bình Giang, mẫu Từ Ân
Phúc thần phù hộ, nhân dân an bình

75. Thương Giang nước chảy hữu tình
Ngàn năm lưu dấu quang minh tướng tài
Tôn thờ ân đức của Ngài
Làng con bái vọng nhà Ngài hiển linh

76. Hằng năm ngày lễ ở đình
Nhắc nhở con cháu hữu tình khôn nguôi.
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhờ về Đào Quán mồng mười tháng hai

77. Trừng Hà, Phù Lão, Làng Gai
Ba làng mở hội, cầu tài cầu vinh
Kiệu thần từ cửa ba đình
Trống dong cờ mở uy linh về Đền”

78. Xuống sông lấy nước múc lên
Đem vào tế lễ cửa Đền chứng minh
Rồi sau rước lại về Đình
Mở hội nô nức dân tình vui ca

79. Nhân dân ở khắp gần xa
Cùng về chiêm bái thật là uy nghiêm
Ngôi đền Từ Khảo linh thiêng
Địa linh thần khí của miền quê hương

80. Xa quê con mãi vấn vương
Tình làng nghĩa xóm yêu thương tháng ngày
Dòng đời dù có đổi thay
Lòng con nhớ mãi tháng ngày nơi đây

Tác giả: Thanh Giang

Hà Nội, ngày 9/1/2021

II.THẦN TÍCH XÃ THỌ XƯƠNG, TỔNG THỌ XƯƠNG, PHỦ LẠNG GIANG, TỈNH BẮC GIANG

Ghi chép về ngọc phả của vị Đại vương công thần triều Lý, họ Việt thường có công lao to lớn giúp nước, xứng đáng được phong thần tước.

(Bản chính của bộ Lễ quốc triều. Lục bộ Nhân thần, thuộc Thủy, Chi Cấn).

Thủa xưa, trời Nam mở vận thánh tổ. Trị vì cơ đồ hơn 2000 năm, lấy quốc hiệu là Hùng Vương, tổ tiên của Bách Việt vậy. Đến đời con cháu họ Hùng, trải qua các triều đại Đông Hán, Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần tổng cộng là 349 năm thì sông núi nước Nam đều bị Bắc thuộc. Cho đến thời kỳ các triều Đinh, Lê, Lý, Trần nước Nam ta đều là những bậc vua sáng kế tiếp nhau trị vì. Cho đến thời vua Lý Thái Tông là bậc anh quân, văn tu võ bị, chính trị, khoan hòa, đương thời khen là bậc anh quân vậy.

Trước đó tương truyền rằng: Ở trang Cao Xá, huyện Thiên Phúc, trấn Nghệ An có một nhà lệnh gia họ Lều, tên là Chân lấy vợ họ Hoàng, vợ chồng lấy nhau vốn sinh sống bằng nghề chài lưới. Bấy giờ ở trang Hồ Khẩu thuộc bản trấn bên sông Bình Giang, có một khúc sông sâu tựa vực thẳm, vợ chồng bèn chèo thuyền tới nơi ấy thả lưới bắt cá thì thấy một con rắn vàng mắc vào lưới. Vợ chồng bắt lên xem thì con rắn liền quấn chặt vào bà vợ. Bà sợ quá lấy tay dứt ra thì bỗng nhiên con rắn biến mất. Từ đó bà cảm động mà có mang, đến ngày 9 tháng giêng năm Quý Sửu. Đến kỳ mãn nguyệt, bà sinh được một  người con trai. Vợ chồng đều cho đó là trời ban phúc cho, nên đặt tên con là: Minh, cậu Minh diện mạo khôi kỳ, thân hình cao lớn. Sau lưng có một hàng vẩy rắn. Từ đó vợ chồng nuôi nấng chăm sóc rất chu đáo. Được nửa năm sau, ở xứ Bình Giang có tin giặc Ngô sang cướp nước ta, địch đóng đồn binh ở đây. Thấy vậy, vợ chồng con cái dắt díu nhau chạy đi nơi khác kiếm ăn, tháng ngày lênh đênh sông nước. Bỗng một hôm khi tới nhánh sông Nhật Đức, thuộc trấn Kinh Bắc ở nhánh sông Giang Tân, thuộc trang Thọ Xương thì tự nhiên trời đất tối tăm, mưa to gió lớn cuồn cuộn, làm thuyền bị lật. Khi đó ở trang Thọ Xương có nhà lệnh trương tên là Nguyễn Công Quyền, tuổi đã ngoài 60 thường tính hay cứu độ vật, nay thấy người bị nạn bèn vớt vợ chồng cha con đưa về nhà chăm sóc. Ông Quyền hỏi han họ tên trước sau. Vợ chồng họ Lều đều kể lại cặn kẽ. Được 3-4 tháng vợ chồng muốn đem con đi kiếm sống ở nơi khác. Nhưng đi tới Giang Tân thì thấy mưa bão, sóng gió nổi lên cuồn cuộn khiến thuyền không thể tiến đi được. Mọi người đều cho rằng: “Trời đã định ở đây!”. Cứ thế 3-4 lần, vợ chồng bèn sinh sống ở đây lập nghiệp sinh  nhai.

Hơn 4-5 năm sau, cậu con trai đã được 6 tuổi. Vợ chồng thấy ông Quyền giầu có, lại là người hiền hậu. Nên muốn gửi con lại làm con nuôi. Từ đó ông Quyền nuôi nấng giáo dục cậu bé. Vợ chồng nói xong trở về quê quán. Từ đó không thấy trở lại nữa. Người con trai một mình sống ở nhà ông Quyền. Nhân dân ở đây thấy diện mạo hình dáng của ông đều rất yêu mến. Đến năm 19 tuổi thì đã trở thành một người trời bẩm thông minh, vũ dũng tài trí, tài năng xuất chúng, lại thích du sơn lạc thủy. Ngày tháng trôi qua ông thường đi khắp mọi nơi kết tập nhân tài, chiêu mộ thần tử cùng nhau tụ tập thi tài (Khi đó lấy người ở trang Kính Nhượng làm gia thần. Có ngọc phả riêng).

Cho đến năm ông 23 tuổi thì tài năng đã nổi tiếng khắp nơi, vũ dũng hơn người, ai ai cũng quy phục, tự đến xin làm thần tử. Rồi vào giữa năm Càn Phù, nghe tin có giặc Chiêm Thành kéo vào xâm lược, quấy nhiễu dân lành. Nhà vùa đã ra lệnh cho đình thần mang quân đi đánh nhiều lần mà không thắng. Nghe tin này, ông bèn bảo: “Làm trai sinh ra ở trên đời, phải làm gì để lưu danh cho hậu thế?”. Nói xong bèn tập hợp dân chúng kết làm thủ túc chân tay, chiêu mộ gia thần các nơi đi đánh giặc, phù vua giúp nước. Nhà vua nghe tin bèn cho triệu ông vào yết kiến. ông được nhà vua mến tài phong chức Đại tướng quân. Ông vâng lệnh cùng gia thần thủ túc tiến quân theo đường thủy, đánh nhau được  hai trận, quân giặc không sao chống cự nổi, phải rút chạy về nước, thu phục giang sơn đất nước trở lại thái bình yên vui.

Ông kéo quân về triều, bái yết nhà vua. Nhà vua bèn phong cho ông chức Đô Thống Đại Tướng Quân. Ông tạ ơn vua, rồi xin trở về trang Thọ Xương để khao thưởng quân sĩ nhân dân. Xin với vua rằng nơi này sau được làm đất Thang ấp, và xin được cai quản cả dải sông này. Nhà vua ưng thuận. Ông cho quân trở về làng làm lễ khao thưởng quân dân.

(Lúc đó thần tử ở trang Kính Nhượng cũng cùng dự tiệc. Có ngọc phả chép riêng). Tiệc xong, ông nói với nhân dân rằng: Ta đã là người bản ấp, sống nhờ ở đất này. Nay được hưởng ơn vua lộc nước nhưng cũng không thấy làm vui, mà chỉ muốn mở tiệc lớn cùng chan hòa với dân. Sống là tướng của dân, chết làm thần của dân mà thôi!” Nghe xong tất cả nhân dân, phụ lão đều cúi lạy chúc mừng. Xong việc ông ở lại đây 3 tháng, chưa kịp trở về triều thì quân Chiêm nghe tin trước kia ông đã đánh bại chúng, khiến chúng vô cùng uất hận, bèn kéo binh thuyền theo đường thủy tập kích mưu sát ông. Chúng tiến quân đến nhánh sông Giang Tân thuộc phường Thọ Xương mà ông không hề hay biết kế gì, cứ đang đêm chạy thẳng, mắc kế giặc bị tướng giặc sát hại. Lúc ông thất cơ bị giặc bắt, ông ngửa mặt kêu trời, qua sông tới địa phận trang Phú Yên (trước ở Phú Yên ông có lấy một người đàn bà họ Phạm. Có ngọc phả riêng), đến trang Kính Nhượng bèn cở mũ ra thì trời đất tối tăm mịt mù, mưa to gió lớn nổi lên, thế rồi ông hóa ở nơi đây. Hôm đó là ngày 23 tháng 5, nhân dân trong Phú Yên cùng nhau kéo đến đó tìm kiếm thì chỉ thấy mối đã đùn lên thành nấm mộ lớn (Chiếc mũ vẫn còn ở đây). Sau gọi là xứ mả vua. Nhân dân phường Thọ Xương là thần tử bèn làm lễ an táng cho ông, lại dựng một ngôi miếu thờ ở bên sông Giang Tân để thờ cúng hương hỏa mãi mãi.

Về sau, đến đời nhà Trần thời Anh Tông, bỗng giặc Nguyên tích trữ lương thực, khí giới sang xâm lược nước ta. Nhà vua vô cùng lo lắng, thân chinh đem quân đi chống giặc, khi tiến quân qua đất Giang Tân thuộc phường Thọ Xương trời đang giữa trưa mà bỗng nhiên tối xầm, mưa to gió lớn ba đào cuồn cuộn khiến đại quân không sao tiến được. Thấy vậy, nhà vua bèn cho quân sĩ dừng lại đóng quân đồn trú ở đây, thấy trên sông Giang Tân trông hào quang rực rỡ xuất hiện một vị Quan nhân áo mũ xán lạn. Đứng ở giữa dòng lớn tiếng tự xưng là: “Lều Nam Bình Giang sứ, nay nghe tin bệ hạ thân chinh cầm quân chống giặc nên đến đây để phù trợ, cai quản sơn hà hưởng làm phúc thần”. Nói xong liền biến mất. Nhà vua nghe vậy bèn cho lập đàn cúng tế, và cho triệu nhân dân đến để hỏi rõ sự việc. Nhân dân kể lại mọi sự (sự tích vị phúc thần làng). Nghe xong nhà vua bèn cấp tốc đem quân tiến thẳng tới đồn giặc. Thấy phảng phất ở giữa đồn giặc có một người cao lớn đang đứng hô mưa gọi gió, khiến cho quân giặc vô cùng khiếp sợ. Nhà vua biết đó là Thần nhân phù trợ, bèn cho quân thẳng tiến đánh nhau một trận, quân giặc đại bại, tranh nhau bỏ chạy toán loạn. Chúng bảo nhau rằng: “Trời giúp nhà Trần, phải tránh xa đất này”. Thế là quân sĩ không cần khó nhọc mà địch tự tan. Nhà vua vô cùng vui mừng vi có sự phù trợ anh linh của Thần. Về đến triều đình, nhà vua liền hạ lệnh cho đình thần đem chỉ ban phong mỹ tự cho Thần. Lại an cho nhân dân nơi thờ phụng Thần 30 quan tiền để tu sửa đền miếu, thờ cúng hương hỏa xuân thu nhị kỳ, cho phép miễn nộp binh lương 2 năm, cùng hưởng lộc nước mãi mãi.

Thật tốt đẹp lắm thay.

Theo Hồng phúc nguyên viên năm 1572 do Đại học sĩ Nguyễn Bính biên soạn và do quản giám Bách thần Tri điện lãnh thiếu khanh Nguyễn Hiền sao nguyên bản chính năm 1737 và bia đá được tạo dựng tại lăng mộ tháng 11 năm 1877

1- Triều Lý phong: Thượng Đẳng Thành Hoàng – Đô Thống Đại Tướng Quân – Thượng Đẳng Phúc Thần Đại Vương

2- Triều Trần phong: Nam Bình Giang, Đô Thống Đại Tướng Quân, Thượng Đẳng Thần Tối Linh Phúc Thần Đại Vương

3- Triều Nguyễn phong: Nam Bình Giang, Đô Thống Đại Tướng Quân, Kiềm Hạt Lều Sứ, Thượng Đẳng Tối Linh Đại Vương.

Ghi chú:

Thần tướng Lều Văn MinhNam Bình Giang Đô Thống Đại Tướng Quân

Kiềm Hạt Sứ, Thượng Đẳng Phúc Thần Tối Linh Đại Vương

+ Ngày sinh của thần: ngày 9 tháng giêng năm Quý Sửu

+ Ngày hóa của thần: Ngày 23 tháng 5.

+ Ngày lễ mừng: Ngày 13 tháng 8.

+ Ngày lễ mừng thần hiển linh: Ngày 14 tháng 3

Mẫu: Phạm Thị Hiệu Từ ÂnTrang Huy – Vi Trai TĩnhDực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần

+ Ngày hóa của Mẫu: Ngày 22 tháng 9

  III. VĂN BIA TẠI ĐỀN THỜ THẦN TƯỚNG QUÂN LỀU VĂN MINH

 DI TÍCH LỊCH SỬ – VĂN HÓA CẤP QUỐC GIA

LĂNG MỘ TƯỚNG QUÂN LỀU VĂN MINH

Lịch sử trên bốn ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. “Hào Kiệt thời nào cũng có”.

Theo Hồng phúc nguyên viên năm 1572 do Đại học sĩ Nguyễn Bính biên soạn và do quản giám Bách thần Tri điện lãnh thiếu khanh Nguyễn Hiền sao nguyên bản chính năm 1737 và bia đá được tạo dựng tại lăng mộ tháng 11 năm 1877. Tướng quân Lều Văn Minh là một đại tướng có công lớn với nước – Được phong thần.

Văn bia và các tài liệu chữ hán xưa kể lại: Tướng quân Lều Văn Minh sinh ngày mùng 9 tháng giêng âm lịch (Vào đầu triều nhà Lý) tại trang Cao Xá, huyện Thiên Phúc, chấn Nghệ an. Cha là Lều Chân, mẹ là Hoàng Thị. Vợ chồng Lều Chân sống nhân hậu bằng nghề chài lưới. Khi sinh ra, tướng quân đã có diện mạo khôi ngô tuấn tú. Một năm sau quê hương Nghệ An có giặc Ngô xâm chiếm. Gia đình Lều Chân đi lánh nạn ở trang Thọ Xương ( làng Thương). Đến năm con trai sáu tuổi, vợ chồng Lều Chân cho con trai mình làm con nuôi ông Nguyễn Công Quyền người làng Thương và xin phép về thăm cố hương. Từ đó, ông bà không bao giờ trở lại nữa.

Sống với bố mẹ nuôi, Lều Văn Minh cao lớn hơn người, thiên tư dĩnh ngộ, bẩm tính thông minh; Lại được học hành chu tất, văn võ song toàn, tiếng tăm lừng lẫy một phương.

Năm tướng quân Lều Văn Minh 23 tuổi; Đời Lý Thái Tông, niên hiệu Càn Phù, giặc Chiêm Thành xâm lấn bờ cõi, quấy nhiễu dân lành. Theo chiếu vua ban, tướng quân tập hợp trai tráng trong vùng thành một đạo quân thiện chiến, giúp vua đánh giặc. Nhà vua phong ông làm đại tướng quân. Ngài chỉ huy quân đánh tan giặc Chiêm Thành. Quân ta toàn thắng, nhân dân yên hưởng thái bình. Vua Lý Thái Tông phong Ngài làm Đô Thống Đại Tướng quân. Tướng quân trở lại quê hương làng Thương, trang Phú Yên khao quân cùng dân làng.

Ba tháng sau, quân Chiêm Thành lén đánh tập kích. Trong trận huyết chiến với giặc trên dòng sông Thương, tướng quân bị trọng thương và đã hy sinh trên mảnh đất quê hương, tại xứ đồng trang Kính Nhượng. Hôm đó là 23/5 âm lịch. Nơi mộ phần tướng quân được xây thành lăng: To, đẹp. Nhân dân trong vùng vẫn gọi là “xứ đồng mả vua”.

Sau ngày Tướng quân hy sinh, phu nhân của Tướng quân – Bà Phạm Thị Từ Ân – người con gái trang Phú Yên – tiếp tục dẫn quân đánh tan giặc Chiêm Thành. Khi chiến thắng trở về, Bà đến bến Sông Thương tuẫn tiết theo Tướng công. Hôm đó là ngày 22-9 âm lịch. Nơi bến sông Bà tuẫn tiết, nhân dân gọi là “Bến Bà”.

Để ghi nhớ chiến công oanh liệt của Tướng quân lúc sinh thời. Triểu đình nhà Lý phong tặng Ngài làm: “Đương Cảnh Thành Hoàng; Đô Thống Đại Tướng Quân; Thượng Đẳng Phúc Thần Đại Vương”.  Và cho phép lập đền thờ Ngài tại Trang Phú Yên, làng Thương, Trang Kính Nhượng. Riêng trang Phú Yên được tạc tượng Đức Ông, Đức Bà để thờ. Đức Ông thờ ở Đền (Đình), Đức Bà thờ ở Nghè.

Ngài còn hiển linh phò giúp Vua Trần đánh tan quân Nguyên; Nên được triều đình nhà Trần sắc phong Ngài làm “Nam Bình Giang Đô Thống Đại Tướng Quân Kiềm Hạt Xứ, Thượng Đẳng Phúc Thần Tối Linh Đại Vương”.

Các triều đại Lê, Nguyễn tiếp tục sắc phong Ngài như triều đại nhà Trần.

Bà Phạm Thị Từ Ân được các triều đại nhà Lý, Trần, Lê, Nguyễn đều sắc phong: “Trang Huy – Vy Trai Tĩnh – Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần”.

Năm 1990, làng Hòa Yên được Nhà nước cho phép tái lập lại Đình – Chùa ở xứ đồng “Bãi Đình, Cửa Huyện”.

Xét công lao to lớn của Lều Tướng Quân đối với quốc gia Đại Việt. Ngày 28 – 6- 1996, Nhà nước CHXNCH Việt Nam quyết định công nhận: “Đền thờ và Mộ Lều Tướng Quân là Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia”.

Lịch sử có thăng trầm, nhưng sự nghiệp của Lều Tướng Quân mãi mãi trường tồn với thời gian và các thế hệ mai sau.

Hòa Yên, ngày 01 tháng 05 năm 2000

Đồng sưu tầm – biên soạn

Thạc sỹ: Nguyễn Quang Hiệp

Kỹ sư: Phương Minh Tân

IV. VĂN BIA TẠI LĂNG MỘ TƯỚNG QUÂN LỀU VĂN MINH

 TƯỚNG CÔNG LỀU VĂN MINH – NAM BÌNH GIANG ĐÔ THỐNG ĐẠI VƯƠNG

Lều tướng công sinh ngày 9 tháng giêng năm Quý Sửu, đời vua Lý Thái Tông, tại trang Cao Xá, huyện Thiên Phúc, phủ Nghệ An. Cha là Lều Chân, mẹ là Hoàng Thị, làm nghề chài lưới.

Do quê hương bị giặc xâm lấn, ngày tử nhỏ Lều Tướng Công đã theo cha mẹ phiêu dạt đến trang Thọ Xương, (làng Thương) và được Lệnh Trương là Nguyễn Công Quyền ở làng này nhận làm con nuôi.

Phu nhân của Lều Tướng Công là Phạm Thị, Hiệu Từ Ân, người trang Phú Yên (thôn Hòa Yên)

Năm 23 tuổi, Lều Tướng Công tập hợp trai tráng trong vùng thành một đội quân cảm tử, phò vua diệt giặc, lập nhiều chiến công lừng lẫy và được vua Lý Thái Tông phong làm Đô Thống Đại Tướng Quân.

Trong một trận huyết chiến trên sông thương, Lều Tướng Quân bị trọng thương rút về xứ đồng trang Kính Nhượng (làng Cung Nhượng) và thác tại đây.

Tướng công được nhà Lý phong là:

“ ĐƯƠNG CẢNH THÀNH HOÀNG ĐÔ THỐNG ĐẠI TƯỚNG QUÂN, THƯỢNG ĐẲNG PHÚC THẦN ĐẠI VƯƠNG”.

Nhà Trần, Nhà Lê, Nhà Nguyễn phong là:

“ NAM BÌNH GIANG ĐÔ THỐNG ĐẠI TƯỚNG QUÂN, KIỀM HẠT SỨ, THƯỢNG THƯỢNG ĐẲNG PHÚC THẦN TỐI LINH ĐẠI VƯƠNG”.

Đền thờ Lều Tướng Công ở thôn Hòa Yên và lăng mộ Lều Tướng Công được nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam công nhận là di tích lịch sử, văn hóa quốc gia.

Ban Quản Lý Di Tích Lịch Sử

Văn Hóa Đền Chùa Hòa Yên

(Tạo dựng bia năm Đinh Dậu 2015)

V. CHÚC VĂN

NGÀY THANH MINH

(Lễ ở Lăng Mộ Đại Tướng Quân)

Lịch sử trên bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. “Hào kiệt thời nào cũng có”.

Theo Hồng Phúc nguyên văn năm 1572 do Đại học sỹ Nguyễn Bính biên soạn và do Quản giám Bách thần Tri điện hùng lãnh Thiếu khanh Nguyễn Hiền sao nguyên bản sinh năm 1737 và bia đá được tạo dựng tại lăng mộ tháng 11 năm 1877; Tướng quân Lều Văn Minh là một Đại Vương có công lớn với nước – được phong Thần.

Văn bia và các tài liệu chữ Hán xưa kể lại: Tướng quân Lều Văn Minh sinh ngày 9 tháng giêng âm lịch (Vào triều nhà Lý) tại Trang Cao Xá, Huyện Thiên Phúc, trấn Nghệ An. Cha là Lều Chân, mẹ là Hoàng Thị. Vợ chồng Lều Chân sống nhân hậu bằng nghề chài lưới. Khi sinh ra, Tướng quân đã có diện mạo khôi ngô tuấn tú, được cha đặt tên là Minh.

Một năm sau, quê hương Nghệ An có giặc Ngô xâm chiếm. Gia đình Lều Chân đưa con đi lánh nạn theo đường thủy ngược ra ngoài bắc; Khi vào lưu vực sông Thương đến địa phận trang Thọ Xương (làng Thương) thuộc trấn Kinh Bắc. Trời bỗng nổi cơn giông bão, thuyền bị đắm. May được gia đình ông Nguyễn Công Quyền người làng Thương sống gần đó biết, ra tay cứu vớt đưa về chăm sóc.

Bốn, năm tháng sau. Vợ chồng Lều công muốn chuyển đi nơi khác sinh sống; Song cứ mỗi lần ra sông định đi, thì lại có giông bão, gió to sóng lớn ập đến. không sao đi được. Vợ chồng Lều công đành cư ngụ tại đây. Mọi người cho đây là cơ Trời đã định. Đến năm con trai 6 tuổi, vợ chồng Lều Chân cho con trai mình làm con nuôi ông Nguyễn Công Quyền và xin phép về thăm cố hương. Song từ đó, ông bà Lều công không bao giờ trở lại nữa.

Sống với bố nuôi, Lều Văn Minh cao lớn hơn người, thiên tư dĩnh ngộ, bẩm tính thông minh. Lại được học hành chu tất, văn võ song toàn, tiếng tăm lừng lẫy một phương.

Năm Ngài 23 tuổi. Đời Lý Thái Tông, niên hiệu Càn Phù, có giặc Chiêm Thành tới xâm lấn bờ cõi, quấy nhiễu dân lành. Theo chiếu vua ban, Ngài tập hợp trai tráng trong vùng, luyện tập thành một đạo quân thiện chiến. Trước hàng quân, Ngài từng nói “Ta sinh ra vào thời này! Hà cớ gì không lưu danh cho đời sau!” và xin được vua đánh giặc. Nhà vua nghe tin rất mừng, cho vời vào cung yết kiến và phong Ngài làm Đại tướng quân. Ngài chỉ huy quân đánh thủy, đánh bộ. Khí thế ngút trời, đánh đâu thắng đó. Giặc Chiêm Thành không sao cự nổi, phải thua chạy. Quân ta toàn thắng, nhân dân yên hưởng thái bình.

Vua Lý Thái Tông phong Ngài làm: Đô thống Đại tướng quân. Cắt giao cho cai quản toàn bộ đất đai vùng sông quê và trở thành Trang, ấp của Ngài. Tướng quân trở lại quê hương làng Thương khao quân cùng dân làng. Tại buổi khao quân. Ngài nói “Tôi muốn khi sống thì làm tướng đánh giặc cứu nước. Khi thác thì làm Thần phù hộ cho muôn dân”. Quân dân reo hò hết thảy vui mừng.

Ba tháng sau, quân Chiêm Thành lén đánh tập kích. Trong trận huyết chiến với giặc trên dòng sông Thương, Ngài bị trọng thương rút về qua địa phận Trang Phú Yên là quê hương của người vợ trẻ Phạm Thị. Ngài đã nằm ở cánh đồng trước cửa trang (làng), mối đã xông phủ kín gần nửa người (Nơi đây chính là khu “đồng Mối” bây giờ). Song Ngài lại dạy đi tiếp đến xứ đồng Trang Kính Nhượng thì đột nhiên trời tối sầm, mưa gió ầm ầm. Ngài hóa tại đây. Hôm đó là ngày 23 tháng 5 Âm lịch.

Nhân dân Trang Phú Yên ra tới nới thì mối đã xông đùn thành một gò lớn, chỉ còn hở một phần mũ quan của Ngài. Nhân dân trong vùng từ xưa đến nay, vẫn gọi nơi Ngài hóa là “Xứ mả vua”. Nơi phần mộ của Ngài được xây thành lăng to, đẹp và còn giữ được đến ngày nay.

Sau ngày Tướng quân hy sinh, phu nhân của Tướng quân – Bà Phạm Thị hiệu Từ Ân – người con gái Trang Phú Yên – tiếp tục dẫn quân đánh tan giặc Chiêm Thành. Khi chiến thắng trở về, Bà đến bến sông Thương tuẫn tiết, nhân dân gọi là “Bến Bà”.

Để ghi nhớ công lao to lớn, dũng liệt của Tướng quân lúc sinh thời. Triều đình nhà Lý phong tặng Ngài là: “Đương Cảnh Thành Hoàng. Đô Thống Đại Tướng Quân. Thượng Đẳng Phúc Thần Đại Vương”. Và cho phép lập đền thờ Ngài tại Trang Phú Yên, Làng Thương, Trang Kính Nhượng, Riêng trang Phú Yên được tạc tượng Đức Ông, Đức Bà để thờ. Đức Ông thờ ở Đền (Đình), Đức Bà thờ ở Nghè. Dọc hai bên sông Thương từ Bố Hạ – Yên Thế ra tới Lục Đầu Giang nhân dân còn lập nhiều Đền thờ vọng Ngài.

Ngài còn hiển linh phò giúp vua Trần Anh Tông đánh tan quân Nguyên – Mông. Trong sử sách còn ghi rõ: Vua Trần Anh Tông, trực tiếp cầm quân đi đánh giặc. Khi đoàn quân qua sông Thương, đang giữa trưa mà trời bỗng tối mù mịt, phong ba nổi lên. Đoàn quân không sao đi được. Nhà vua phải cho quân lính nghỉ lại tại địa phận Trang Phú Yên.

Cũng lúc đó, trong mưa giông lại xuất hiện một người cao lớn trên sông Thương với áo mũ, cân đai rực rỡ ánh hào quang. Người ấy hô lớn: “Ta là Lều – Nam Bình Giang sứ. Ta hiển linh đến phò giúp vua dẹp giặc”. Nói xong liền biến mất. Vùa Trần được dân làng tâu rõ sự tích Lều Tướng Quân, bèn lập đàn cúng tế tại bờ sông Thương. Trang Phú Yên. (Nơi Vua nghỉ và lập đàn tế chính là Đình Hòa Yên ngày xưa).

Vua lập tức cho quân đánh thẳng vào trại giặc. Giữa trận tiền, Vua tôi luôn thấy hình dáng một người cao lớn, uy dũng phi thường, tiếng vang như sấm. Quân Nguyên – Mông kinh sợ bàng hoàng, dẫm đạp lên nhau tháo chạy. Vùa biết đã được Thần hiển linh phò trợ, liền thúc quân đánh thắng ròn rã, thu hồi toàn bộ đất đai.

Để tri ân, Vua Trần sắc phong Ngài là: “Nam Bình Giang Đô Thống Đại Tướng Quân Kiềm Hạt Sứ, Thượng Đẳng Phúc Thần Tối Linh Đại Vương”. Và “Sinh phù Lý, Tử phù Trần”. Vua còn ban cho nhân dân thuộc địa phận Ngài cai quản được miễn binh lương 2 năm.

Các triều đại Lê, Nguyễn tiếp tục sắc phong Ngài như trều đại nhà Trần.

Phạm Thị hiệu Từ Ân được các triều đại nhà Lý, Trần, Lê, Nguyễn đều sắc phong là: “Trang Huy – Vy Trai Tĩnh – Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần”.

Xét công lao to lớn của Lều Tướng Quân đối với quốc gia Đại Việt. Ngày 28/6/1996, nhà nước CHXHCN Việt Nam quyết định công nhận: “Đền thờ và Mộ Lều Tướng quân là Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia”. Tỉnh Bắc Giang cũng có một con đường mang tên Lều Văn Minh.

Trải qua gần 10 thế kỷ, lịch sử có thăng trầm, nhưng sự nghiệp của Lều Tướng quân mãi mãi trường tồn với thời gian và các thế hệ mai sau.

Nhân dân các làng: Hòa Yên, Cung Nhượng, làng Hướng, làng Thương vinh dự được là thần dân của Ngài, lại được các Triều đại giao cho coi giữ, thờ phụng. Thế hệ nối tiếp thế hệ, năm sau nối tiếp năm trước. Cứ vào tiết Thanh Minh, nhân dân 4 làng lại cờ dong, trống mở dẫn lễ ra lăng mộ của Ngài để tế lễ, để ôn lại những chiến công hiển hách của Ngài và nhân dân địa phương. Nhắc nhở nhau “uống nước nhớ nguồn”, đồng tâm gìn giữ, phát huy, tô đẹp hơn nữa nơ thờ phụng Ngài để trường tồn mãi, để hậu thế noi theo và phát huy.

Sư tầm và biên soạn

Thạc sỹ: nguyễn Quang Hiệp

Ghi chú: Bài Chúc văn lược giản: Tuyên ngày lễ Thanh Minh tại Đền và Lăng, thì lấy theo nội dung bài văn lễ sinh nhật ngày (9-1), chỉ cần đổi là ngày Thanh minh và nhân dân 4 làng là đủ.

VI. NGHI LỄ TRONG LỄ TẾ THẦN

BÀI XƯỚNG LỄ

TRONG LỄ TẾ THẦN

A- VỀ NHÂN SỰ ĐỘI TẾ:

Đội tế đủ và hoàn chỉnh gồm: 18 vị, Kiêm nhiệm còn 12 vị cũng tiến hành lễ được.

1- Chủ tế: 1 vị: Là người có uy vọng nhất làng; Tuổi từ 70 trở lên, có sức khỏe và được đa số các cụ ông chấp thuận; Khi cần có thể thay bằng cụ 69,68 tuổi.

2- Bồi tế: 2 vị: Là người có tín nhiệm với làng và các cụ.

3- Nội tán: 2 vị: Là 2 người đứng 2 bên Chủ tế, để dẫn Chủ tế đi ra, đi vào, đi lên, đi xuống (như trợ lý thủ trưởng).

4- Đông xướng: 1 vị: Có giọng tốt, không nói ngọng: Là người điều hành, dẫn dắt cả khỏa lễ.

5- Tây xướng: 1 vị: Có giọng tốt, không nói ngọng: Là người xướng họa lại, khi cụ Đông xướng hô “BÁI” thì cụ Tây xướng hô “HƯNG”.

6- Điển văn: 1 vị: Là người viết “Chúc văn”, phải chữ đẹp, rõ ràng.

7- Độc văn: 1 vị: Là người tuyên đọc Chúc văn; không ngọng, lắp.

8- Đồng văn: 2 vị: 1 vị đánh trống, 1 vị đánh chiêng.

9- Chấp sự: 7 vị: 3 vị dâng rượu (1 chính, 2 phụ), 2 vị đăng hương, 1 vị phủng (đưa) chúc văn, 1 vị hóa (đốt) chúc văn.

Tổng cộng là: 18 vị: Là đội tế hoàn chỉnh.

Tùy từng nơi và điều kiện thực tế (nhân sự) mà bố trí kiêm nhiệm, rút gọn thành một đội tế gồm:

1- Chủ tế: 1 vị.

2- Bồi tế: 2 vị: 1 vị viết Chúc văn và kiêm là Tây xướng

1 vị đọc Chúc Văn

3- Đông xướng: 1 vị, dẫn dắt, điều hành lễ tế.

4- Nội tán: 2 vị, trợ lý 2 bên Chủ tế.

5- Đồng văn: 2 vị, đánh trống, chiêng hành lễ.

6- Chấp sự: 4 vị: 2 vị dâng rượu kiêm đưa chúc văn

2 vị đăng hương kiêm hóa Chúc văn.

Vậy còn 12 vị cũng đủ thực hiện hoàn chỉnh một khóa lễ tế thần. Ngoài ra còn có đội nhạc lễ (nếu có).

B – VỀ NGHI THỨC, THỦ TỤC TẾ.

Yêu cầu: Phải chuẩn bị đầy đủ, chu đáo, tôn nghiêm, trang trọng.

      1- Đủ các đồ tế: Rượu, hương (trầm), thau nước sạch đặt trên giá; khăn mặt sạch, khay, đĩa để dâng rượu, hương, Chúc văn, lộc,… lư hương, thau để hóa chúc văn; khay có lót 1 vuông vải đỏ.

2- Sắp xếp, trang hoàng nơi tế: Phải theo đúng quy định, tôn nghiêm, trang trọng, đẹp.

  • Bàn hương án phải đạt nơi trang trọng nhất, bầy biện đồ thờ, lễ vật theo tuần tự và đúng vị trí; Chú ý bố trí đường đi khi Chủ tế đi củ soát, dâng rượu, đăng hương,… không bị cản trở.
  • Trước hương án: Trải 4 chiếu đẹp theo đúng thứ tự:

+ Chiếu 1: Là chiếu Thần vị (gần hương án nhất).

+ Chiếu 2: Là chiếu thụ tổ, ẩm phước (sau chiếu 1).

+ Chiếu 3: Là chiếu Chủ tế (sau chiếu 2).

+ Chiếu 4: Là chiếu Bồi tế (sau chiếu 3).

(Cũng có thể giảm chiếu 2 và dùng chung và chiếu Chủ tế).

  • Hai bên (tả, hữu) 4 chiếu đặt mỗi bên 1 bàn: Một bàn đặt đài rượu (đủ 3 chiếc chén và 1 be rượu): Chấp sự dâng rượu đứng tại bàn này; Bàn bên, đặt lư hương, trầm, nến, Chúc văn; Chấp sự đăng hương đứng tại đây.
  • Lễ phục tế: phải theo quy định, đúng, đủ, gọn gàng (tuyệt đối không được nhầm lẫn, thiếu đồng bộ)
  • Các thành viên đội tế phải giữ đúng vị trí quy định, thực hiện chuẩn các động tác trong hành lễ.

3- Tiến hành lễ tế:

Các thành viên đội tế đã sẵn sàng ở vị trí quy định: Đứng sau (ngoài) chiếu 4 là Chủ tế đứng giữa, bồi tế, nội tán, độc văn, đồng văn đứng hàng ngang sau chủ tế 1 bước; Chấp sự đứng ở 2 bàn bên; Đông, Tây xướng đứng ở vị trí gần 2 đầu 2 bàn của chấp sự. Đồng văn sẽ rời trước theo hiệu lệnh của đông xướng.

Một khóa lễ tế thường thực hiện 3 lần liên tục, theo tuần tự sau: Do cụ Đông xướng (xướng tế) điều khiển:

1)- Khở chính cổ, cắc tam nghiêm: Nổi chiêng, trống 3 hồi.

2) – Nhạc sinh tựu vị: Đội nhạc ngồi vào vị trí cử nhạc (Không có nhạc thì đánh trống lễ)

3)- Củ soát tế vật: Kiểm soát lễ vật; Hai chấp sự đăng hương cầm đèn (nến), khay đĩa, hướng dẫn Chủ tế vào nội điện xem xét lễ vật.

4)- Ế mao, huyết: Bỏ lông, máu.

5)- Chấp kỳ giả, các từ kỳ sự: Là báo các tế quan và chấp sự quan (mọi người) sẵn sàng hành lễ.

6)- Tế chủ cập, các chấp sự giải nghệ quán tẩy sở: Chủ tế, bồi tế, các chấp sự cùng đến chỗ rửa tay, rửa mặt.

7)-Thế cân: Lau khô tay, mặt.

8)- Bồi tế quan tựu vị: Bồi tế tiến 3 bước vào chiếu 4, đứng 2 bên.

9)- Chủ tế quan tựu vị: Chủ tế tiến 3 bước vào chiếu 4, đứng giữa 2 bồi tế.

10)- Thượng hương: Lễ dâng hương; Chủ tế, bồi tế cùng tiến lên chiếu 1; 2 chấp sự đăng hương cùng tiến vào dâng lưu hương và hộp trầm cho Chủ tế; Chủ tế nhận lấy, rồi quỳ vái 3 vái xong, 2 bồi tế giupos chủ tế cho trầm (hoặc thay trầm bằng hương) vào lư và đốt, Chủ tế đưa lư hương cho chấp sự đăng hương đặt lên hương án đúng theo vị trí quy định.

11)- Nghênh thần cúc cung bái: Tế chủ và bồi tế lạy 4 lạy theo hiệu nhịp, đông xướng “Bái”, tây xướng “Hưng”.

12)- Bình thân, phục vị: Chủ tế, bồi tế đứng nghiêm vái 1 vái rồi lùi về chiếu 3 (chiếu chủ tế).

13)- Hành sơ hiến lễ: Dâng rượu lần 1(tuần 1); Tế chủ lên đài rượu (lên chỗ đặt be rượu).

14)- Nghệ tửu tương sở, tửu tương giả cử mịch: 1 nội tán mở đài rượu.

15)- Chước tửu: Rót rượu, Chủ tế rót rượu xong, đi xuống về chỗ cũ.

16)- Nghệ hương án tiền: Tế chủ và 2 nội tán lên chiếu 1.

17)Quỵ: quỳ, mọi người ở chiếu cùng quỳ; Rượu chính bên phải (hữu), rượu phụ bên trái (tả)

18)Tiến chước: 1 nội tán dâng đài rượu

19)Hiến tước: Dâng rượu; Tế chủ vái 1 vái; 2 nội tán đi 2 bên dâng cao đài rượu đi vào nội điện cùng Tế chủ; Và đặt rượu lên hương án (bàn thờ) ở nội điện.

20)Phủ phục “bái”; Tế chủ cùng nội tán cúi lậy 1 lậy.

21)“Hưng” Đứng lên.

22)Bình thân, phục vị: Đứng nghiêm, rồi cả Tế chủ, nội tán trở về chỗ cũ (chiếu 3).

23)Độc chúc: Chuẩn bị đọc Chúc văn.

24)Nghệ độc chúc vị: Tế chủ lên chiếu 1; 1 chấp sự phủng (mang) văn tế ra (chiếu 1).

25)Giai quỵ: Tất cả (Tế chủ, nội tán, người chuyển, người đọc chúc văn) đều quỳ.

26)Chuyển chúc: Người chuyển chúc văn, đưa chúc văn cho Tế chủ xong thì lùi về sau; Tế chủ nhận, vái 1 vái, rồi đưa cho người đọc chúc văn. Hoặc Tế chủ trực tiếp đọc.

27)Tuyên Chúc: Đọc Chúc văn; Người đọc chúc văn xong, lại giao chúc văn cho Tế chủ, Tế chủ dâng chúc văn vái 1 vái, rồi giao cho người chuyển chúc văn đạt vào chỗ cũ.

28)Phủ Phục: Tế chủ cúi lậy rồi đứng lên lễ 2 lễ theo nhịp Đông xướng “Bái”, Tây xướng “Hưng”.

29)Bình thân, phục vị: Tế chủ đứng lên vái 1 vái rồi về chiếu 3.

(Kết thúc dâng rượu lần 1- tuần 1)

30)- Hành á tiến lễ, nghệ tửu án tiền: Lễ hiến rượu tuần 2; (thứ tự làm như tuần đầu, bắt đầu tư câu 15 đến câu 22).

31)- Hành trung hiến lễ, nghệ tửu tôn sở: Lễ hiến rượu tuần 3 (Làm như tuần 1, câu từ 15 đến câu 22).

32)- Quân hiến ẩm phước: (lễ tượng trưng) Thần ban phước lộc cho dân. Tế chủ thay mặt toàn dân nhận phước lộc. (là một ân huệ lơn Thần ban).

33)- Nghệ ẩm phước vị: Tế chủ lên vị trí ẩm phước (chiếu 2).

34)- Ẩm phước: Uống rượu; 1 nội tán tiến vào nội điện lấy 1 chén rượu ở giữa mang ra và quỳ dân cho Tế chủ; Tế chủ nhận rượu vái 1 vái và uống chén rượu lộc thay cho dân.

35)- Thụ tộ: Nhận lộc; Tế chủ ăn 1 miếng trầu thay cho miếng thị vai (do 1 nội tán dâng)

36)- Phủ phục: Tế chủ vẫn quỳ, sau đó dạy lễ 2 lễ theo hiệu nhịp Đông xướng, Tây xướng.

37)- Bình thân phục vị: Chủ tế dạy và đứng nghiêm.

38)- Tạ lễ, cúc cung bái: Tạ lễ; Chủ tế, bồi tế, nội tán,… tất cả đứng lên lễ 4 lễ theo hiệu nhịp Đông xướng “Bái”, Tây xướng “Hưng”.

39)- Bình thân: Mọi người đứng nghiêm.

40)- Phần chúc: Hóa chúc văn; 1 nội tán mang chúc văn đi hóa.

41)- Lễ tất: Lễ xong; Tất cả đứng cùng vái 2 vái theo hiệu nhịp trống lễ và người xướng lễ.

Trên đây là nội dung tóm tắt; Khi thực hành sẽ hướng dẫn thêm.

Ghi chú:

  • Quan hiến ẩm phước: Khi tế xong, Thần có ban phẩm vật còn thừa lại; Đây là một ân huệ lớn cho dân làng (Người chủ tế “ẩm phước, thụ tộ” là tượng trưng thay mặt dân nhận ban ơn huệ của Thần).
  • Ẩm phước: Tức là uống rượu có phúc trạch của Thần.
  • Thụ tộ: Là nhận miếng thị vai (tộ lả thịt vai); Nhưng thường dùng miếng trầu thay miếng thịt.
  • Ế mao huyết: là bỏ lông, bỏ huyết (máu); Trong buổi lễ, người chấp sự cầm một cái đĩa có để một ít tiết và mấy cái lông trâu/bò/lợn để ruồi đổ đi; Đây là tượng trưng sau khi chủ tế soát lễ vật, trừ bỏ hết mọi tạp chất chỉ còn lại những thứ tinh túy để tế Thần.

 VII. VỀ SẮP LỄ VÀ ĐẶT LỄ

Trong các ngày sự lệ, sắp lễ ở : đền Đức Thánh Ông, ban Đức Thánh Bà, nghè Từ Khảo; Nội dung, thủ tục, nghi lễ sắp đặt lễ các sự lệ như sau:

1 – Ngày Thanh Minh:

+ Ban thờ Đức Thánh Ông Nam Bình Giang: 1 đĩa xôi to hoặc 3 oản, 1 miếng thịt lợn luộc 0,5 kg, 1 nải chuối, 1 lọ hoa tươi, 5-7 quả cau lá trầu, 1 cút rượu,1 chén rượu, 1 chén nước, 1 tệp tiền vàng.

+ Ban thờ Đức Thánh Bà Phạm Thị hiệu Từ Ân: 1 đĩa xôi hoặc 1oản, 1 miếng thịt lợn luộc 0,5 kg, 1 nải chuối hoặc 1 đĩa hoa quả, trầu cau, 1 chén rượu, 1 chén nước, 1 tệp tiền vàng, 1 lọ hoa.

+ Ban đền Quan bộ hạ: 1 đĩa xôi hoặc 1oản, 1 miếng thịt lợn luộc 0,5 kg, 1 nải chuối hoặc 1 đĩa hoa quả, trầu cau, 1 lọ hoa, 1chén rượu, 1 chén nước, 1 tệp tiền vàng.

2-Ba sự lệ của Đền ( ngày xưa gọi là “Việc làng”) là:

+ Ngày sinh ngài Đô Thống Đại Tướng quân Lều văn Minh: 9-1 (âm lịch)

+ Ngày hoá ( ngày giỗ ) Đức Thánh ông Lều văn Minh: 23 – 5 (âm lịch)

+ Ngày hoá ( ngày giỗ ) Đức Thánh Bà Phạm thị hiệu Từ Ân: 22 – 9 (âm lịch)

  • Ba ngày sự lệ này: sắm lễ mặn, lễ chay, nơi đặt lễ như ngày thanh minh.

Riêng ngày giỗ Đức ông (23 – 5), giỗ Đức Bà (22 – 9) có sắm thêm 1 bộ quần áo cho ông, Bà; Và lộc cho các gia đình được hưởng lộc.

  • Thành phần dự lễ: gồm cả làng, các cụ ông, cụ bà, đội dâng hương, lãnh đạo Đảng, chính quyền, các Đoàn thể thuộc làng. Tuỳ điều kiện, hoàn cảnh cho phép có thể mời thêm khách các làng bạn,…

– Thủ tục hành lễ: bốn ngày: thanh minh, 9/1, 23/5, 22/9, chỉ làm phần lễ, không có phần hội.

  • Trước ngày sự lệ, cần tổng vệ sinh sạch sẽ trong và ngoài Đền; Phong cờ Thần lớn, nhỏ ở khu vực Đền.
  • Các cụ ông, cụ bà lễ phục chỉnh tề, đứng trang nghiêm trước bàn thờ Đức Thánh; Chủ lễ lên làm lễ, đọc chúc văn; Sau đó lần lượt các cụ vào lê, cụ thượng và các cụ cao niên lễ trước; Lễ từ đền, ban Bà, nghè Từ Khảo. Khi chuẩn bị đươc tốt sẽ tiến hành tế và dâng hương; Tiến tới việc tế và dâng hương sẽ làm thường xuyên.

3 – Tết nguyên đán, Tết nguyên tiêu, Tuần rằm:

a- Những công việc chính cần làm:

  • Tổng vệ sinh toàn bộ trong và xung quanh khu vực Đền, Nghè, trang trí, phong cờ, sái tượng; (mua khăn mặt bông mới, 2 lạng gừng, 1 lít rượu trắng đề sái tượng).
  • Ban Quản lý và Ban xôn thống nhất phân công lịch trực tết ở Đền, từ ngày 30 tết đến hết ngày mùng 3 tháng giêng; Mỗi ca trực ít nhất là 2 người. Ngoài Ban quản lý và Ban xôn, cần huy động thêm một số cụ tham gia trực; Danh sách trực do BQL, Ban Xôn, Ban Cán biện cử, được niêm yết công khai tại Đền, trước ngày 23 tháng chạp,
  • Người trực có trách nhiệm: Đóng, mở cửa Đền từ 5 giờ sáng đến 10 giờ tối; Thắp hương các ban; Tiếp và hướng dẫn khách thập phương đến lễ hoặc thăm viếng; Ghi công đức cho khách (Ghi sổ và cấp giấy chứng nhận công đức); Thu tiền lễ ở các ban để vào hòm công đức. Kiểm tra đồ lễ ở các ban, có gì khiếm khuyết thì bổ sung ngay.

                b- Lễ tất niên, đón giao thừa:

  • Thành phần dự gồm: Toàn Ban quản lý, Ban Xôn và các cụ ông, cụ bà, đại diện các Đoàn thề cùng dân làng.

                c- Sắm và đặt lễ giao thừa và tết:

+ Lễ mặn: 1 con gà trống luộc, 3 bánh chưng vuông, 2 lít rượu trắng.

+ Lễ chay: 4 nải chuối xanh, 4 quả bòng, 4 đĩa hoa quả, 8 đĩa bánh kẹo, 4 lọ hoa tươi, đẹp, trầu cau 10 quả, 2 cầu vàng màu vàng, 1 đinh tiền, 1 đinh vàng và một số tiền khác; ở Đền sắp 1 bộ quần áo quan màu đỏ hoặc vàng (có mũ cánh chuồn); Ở ban Bà sắp 1 bộ quần áo nữ (nón thúng quai thao) màu vàng hoặc xanh: 2 lạng chè, 5 bao thuốc lá, hương nến,dầu đèn mua bổ sung.

+ Đặt lễ:

* Ban Đức Thánh Ông: 1 con gà luộc  bánh chưng+1 cút rượu+1 nải chuối+1 quả bòng+1 đĩa hoa quả+1 đĩa bánh kẹo+7 trầu cau+1 lạng chè +1 bao thuốc lá+1 lọ hoa tươi+1 cầu vàng+1 tệp tiền vàng,1 bộ y phục quan.

* Ban đức Thánh Bà: 1 nải chuối+1 quả bòng+1 bánh chưng+1đĩa hoa quả+1 đĩa bánh kẹo+1trầu cau+1 lọ hoatươi+1 chén rượu+1 chén nước+1 cầu vàng+1 tệp tiền vàng+1 bộ y phục nữ.

  • Nghè: Đặt lễ như ban Bà nhưng không có cầu vàng và y phục.
  • Nghi thức buổi lễ tất niên, giao thừa,đón năm mới ở Đền:

+ Từ 13 giờ ngày 30 tháng chạp, Trưởng, Phó Ban quản lý cùng Ban Xôn, kiểm tra lại toàn bộ việc sắp đặt lễ ở Đền và thắp hương .

+ Từ 22giờ30 – 23 giờ (tức 10h30 – 11 h tối) làm lễ cúng tất niên và giao thừa. Trưởng hoặc Phó ban quản lý làm chủ lễ đọc chúc văn; Sau đó tạ lễ; Ban xôn hạ 4 đĩa bánh kẹo ở 4 ban để thụ lộc và bầy 4 đĩa bánh kẹo mới.

               d- Tết nguyên tiêu – ngày 15 tháng giêng:

Thường trực Ban Quản lý và Ban Xôn, chịu trách nhiệm.

+ Ban Quản lý lo tiếp khách và ghi công đức.

+ Ban xôn lo: vệ sinh sạch sẽ trong và ngoài Đền; sắm và sắp, đặt lễ ở đền Ông, ban Bà, Nghè Khảo. Ngày 14 và ngày rằm tháng giêng mở cửa Đền từ 4 giờ sáng đến 10 giờ tối;

+ Chỉ sắm lễ chay gồm: 3 đĩa hoa quả và bánh kẹo; 3 lọ hoa tươi, 3 quả cau lá trầu, 3 tệp tiền vàng; hương,nến,dầu đèn nếu thiếu mua bổ xung.

  1. Tuần rằm: là ngày 1 và ngày 15 hàng tháng (trừ tháng 1);
  • Do Ban Xôn chịu trách nhiệm toàn bộ như: vệ sinh trong ngoài Đền; Mua sắm, sắp, đặt lễ như ngày rằm tháng giêng.

VIII. THỦ TỤC, NGHI LỄ CHÍNH TRONG HÀNH LỄ

Yêu cầu chính là: Tôn nghiêm, đúng, đủ,văn hoá.

  1. Y phục:

Mặc lễ phục chỉnh tề; Cụ ông: áo lương, khăn xếp; Hoặc bộ đồ tế khi lễ tế; Cụ bà áo dài nâu; Đội dâng hương, mặc bộ đồ dâng hương; Chủ tế măc bộ đồ tế màu đỏ; Đội rước kiệu, cờ, mặc bộ đồng phục rước.

2. Hanh lễ:

– Chủ tế hoặc Chủ lễ: do các cụ hoặc Ban Quản lý di tích cử ra (theo một số tiêu chuẩn nhất định); Thường cử 3 người dể bồi dưỡng và thay thế khi cần thiết.

– Chủ lễ vào chiếu lễ trước và thực hiện các nghi thức quy định (lễ, tế, dâng hương) theo nhịp trống lễ và người xướng lễ; Đọc (tuyên) chúc văn hoặc sớ – nếu có; Sau đó, các cụ hai giới lần lượt vào lễ ở Đền, Chùa; Các cụ thượng lễ trước. Các cụ ông cố gắng lễ quỳ theo nghi thức lễ; Nếu chưa lễ được thì đứng hoặc quỳ vái 3 vái.

– Tế và dâng hương thực hiện ở Đền: ở 3 sự lệ là: Thanh minh, ngày 9 – 1, ngày 23 – 5; Còn ngày 22 tháng 9: Làm lễ và dâng hương tại ban Đức Bà.

 IX. MỘT SỐ BÀI VĂN LỄ (CHÚC VĂN – CHÍNH SỬ) Ở CÁC NGÀY SỰ LỆ:

1- Chúc văn; Ngày sinh Đức Thánh Ông: Mùng 9 tháng 1:

a)- Văn: Hán – Nôm: (tuyên lần 1)

Duy! Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tuế thứ………………..        

Kim niên……………………… Việt Nam Quốc, Bắc Giang Tỉnh, Lạng Giang Huyện

Đào Mỹ Xã, Bến Cát Thôn.

Kim thiên, chính nguyệt, cửu nhật; Kim thị sinh nhân Đại vương Đức Thánh Ông;

Đồng bản thôn, thượng hạ đẳng; cẩn dĩ, chi nghi: hương đăng, thanh trúc, trà, tưởu, phù lưu, quả phẩm, kim ngân, minh y, trư nhục hàn âm, tu thành, tu quả, tỉnh quả…. Cung trần phi lễ.

Thượng phụng án toạ; Cảm kiền cáo vu:

Vi hữu sinh nhật Đức Thánh Ông.

Tất cáo lễ dã; Đương cảnh Thành hoàng Đô Thống Đại Tướng Quân,Thượng thượng đẳng Phúc thần tối linh Đại vương; Nam Bình giang Đô Thống Đại Tướng Quân kiềm hạt sứ Đại vương; Hộ Quốc tý dân; Nậm chử linh ứng; Lịch triều phong tặng.

Khâm mông!

Gia phong, phù trì tế độ; Bảo an trấn tĩnh; Hùng ngự trác vĩ; Dực bảo trung hưng; Thượng thượng đẳng Phúc thần tối Đại vương.

Âm Thần Phạm quý thị; thuỵ viết Hiệu Từ Ân – Phu nhân Tôn Thần; Hộ Quốc tý dân; Nậm chử linh ứng.

Khâm mông!

Sắc phong: Vi trai tĩnh, Dực bảo trung hưng, Thượng đẳng thần.

Đại vương hậu đức, uy cường; Khoan dong hùng vĩ; Tai tất trừ, hại tất khứ; Công cố cự hồ; Vật dĩ chuẩn; Nhân dĩ khang; Đức kỳ thịnh hỹ; Cung trần lễ số; Nguyện giám đan thành; Cúi xin giải tỏ; cầu được hộ trì ý nguyện; Người người hoan hỷ vinh xương; Nhà nhà cát tường, khang kiện.

Ngưỡng mông Thánh đức; Đội ơn Ngài đương cảnh Thành hoàng, Đức Tôn Thần hiển linh, lai thành, lai hạ, lai vy: Tý dĩ đồng bản thôn,viết thọ, viết minh, viết quý; Gia lộc, gia ân, tiếp tài, tăng thọ; Tống ách, nghinh tường; Sung thành bách phúc.

Cẩn cáo!

Phối dĩ, sinh nghĩa nhị công đồng Thánh mẫu.

Kính thỉnh!

Bộ hạ linh quan, lưỡng ban Văn – Vũ (võ) đồng lai phối hưởng.

Cẩn cáo.

(Lễ hoặc vái 3 vái; Hoá (đốt) chúc văn).

b)- Văn dịch: Âm Phổ thông: (tuyên lần 2)

Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Năm thứ………. ………  (3,4..)

Là năm (âm lịch)………… (vd: Canh Tý)

Tại Thôn Bến Cát, Xã Đào Mỹ, Huyện Lạng Giang, Tỉnh Bắc Giang, Nước Việt Nam.

Hôm nay,ngày mùng 9 tháng giêng, là ngày sinh Đức Thánh Ông;

Đông đảo dân làng: già, trẻ,gái, trai; Thành tâm sửa lễ gồm: Hương thơm, đèn nến, trà, rượu, trầu cau, hoa quả, tiền vàng, quần áo; Thịt lợn, thịt gà, xôi, oản, bánh trái … và các đồ cúng dâng lên án tiền:

Xin kính trình, kính thưa rằng:

Nhân nhớ ngày sinh của Đức Thánh Ông; Ngài xưa kia đã có công lớn: Phò Vua đánh giặc cứu nước, bảo vệ muôn dân; Ngài là Đại thần của lưỡng triều Lý – Trần, được tôn Thần và phong là Đương cảnh Thành hoàng cùng nhiều tước vị cao quý; Đô thống Đại tướng quân; Thượng thượng đẳng Phúc thần tối Đại vương; Nam Bình giang Đô thống Đại tướng quân Kiềm hạt sứ; Hộ quốc tý dân; Thượng thượng đẳng Phúc thần tối linh Đại vương.

Ngài được ca ngợi là trung thần, tận phò giúp vua đánh giặc giữ nước, cứu dân; Đó là công lao to lớn, sáng ngời sử xanh.

Phu nhân của Ngài là Phạm Quý thị – Hiệu Từ Ân có công lớn: Phò vua dẹp giặc cứu nước, giúp đỡ dân lành; Ngài được phong tặng nhiều tước vị cao quý: Vi trai tĩnh, Dực bảo trung hưng, Thượng đẳng thần.

Với tài đức song toàn, uy danh lừng lẫy; Khoan dung độ lượng của Đức Thánh Ông, Đức Thánh Bà hiển linh trừ tai, diệt hoạ; Biến hung thành cát, đổi hoạ ra tường; Tạo phúc cho dân: Nhà nhà của cải dồi dào; Người người no ấm, tăng phúc, tăng lộc, tăng thọ. Tiếng thơm lưu danh; Đời đời ghi nhớ noi theo.

Kính mong Đức Thánh Ông, Đức Thánh Bà cùng công đồng Thánh mẫu, Bộ hạ linh quan, lưỡng Ban Văn Võ linh hiền giáng lâm phù độ cho bản dân: Bách phúc nguyện thành; Phú cường, xương cát; Chứng giám lòng thành và thụ hưởng lễ vật.

                                           Kính cáo.

 2 – Chúc văn: Ngày hoá (giỗ) Đức Thánh Ông: ngày 23 – 5:

a) – Văn: Âm Hán – Nôm

Duy! Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tuế thứ……………………….

Việt Nam Quốc, Bắc Giang Tỉnh, Lạng Giang Huyện, Đào Mỹ Xã, Bến Cát Thôn.

Kim thiên………………………… niên, ngũ nguyệt, nhị thập tam nhật, kim nhân húy kỵ nhật Đức Thánh Ông

Đồng bản thái ông, lão bà, nam nữ, thượng hạ đẳng; cẩn dĩ, chi nghi: hương đăng, phù lưu, thanh tước, quả phẩm, trà tửu, kim ngân, minh y, trư nhục, tu thành, tu quả….cung trần phi lễ;

Cảm kiền cáo vu; Cáo lễ huý nhật Đức Thánh: Nam Bình giang, Đô thống Đại tướng quân Kiềm Hạt sứ;Thượng đẳng Phúc Thần Đại vương; Hộ Quốc Tý Dân. Nậm chử linh ứng; Lịch triều phong tặng.

Gia phong phù trì tế độ, Bảo an trấn tĩnh; Hùng ngự trác vĩ. Dực bảo trung hưng; Thượng thượng đẳng Phúc thần tối linh Đại vương.

Âm thần Phạm Quý thị. thuỵ viết hiệu Từ Ân; Phu nhân Tôn thần; Hộ quốc tý dân; Nậm chử linh ứng; sắc phong; Vi trai tĩnh; Dực bảo trung hưng; Trang huy Thượng đẳng thần.

Tất cáo lễ dã:

Đại vương hậu đức uy cường; Khoan dong hùng vĩ; Tai tất trừ, hại tất khứ; Công cố cự hồ; Vật dĩ chuẩn; Nhân dĩ khang; Đức kỳ thịnh hỹ; Cung trần lễ số; Nguyện giám đan thành; Cúi xin giãi tỏ; cầu được hộ trì ý nguyện; Người người hoan hỷ vinh xương; Nhà nhà cát tường, khang kiện.

Đội ơn đương cảnh Thành hoàng; Đội ơn Đức Tôn thần linh hiển, lai thành, lai hạ: Gia lộc, gia ân; Tiếp tài, tăng thọ; Trừ tai, trừ biến; Tống ách nghinh tường; Sung thành bách phúc;

Phối dĩ!

Sinh nghĩa nhị công đồng Thanh mẫu.

Khâm mông

Bộ hạ linh quan, lưỡng ban văn – võ đồng lai phối hưởng.

Cần cáo !

b)- Văn lược dịch theo Âm Phổ thông: (tuyên lần 2: Ngày 23-5)

Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Năm thứ………. ………  (3,4..)

Là năm (âm lịch)………… (vd: Canh Tý)

Tại Thôn Bến Cát, Xã Đào Mỹ, Huyện Lạng Giang, Tỉnh Bắc Giang, Nước Việt Nam.

Hôm nay,ngày 23 tháng 5, là ngày giỗ Đức Thánh Ông;

Đông đảo dân làng: già, trẻ,gái, trai; Thành tâm sửa lễ gồm: Hương thơm, đèn nến, trà, rượu, trầu cau, hoa quả, tiền vàng, quần áo; Thịt lợn, thịt gà, xôi, oản, bánh trái … và các đồ cúng dâng lên án tiền:

Xin kính trình, kính thưa rằng:

Nhân nhớ ngày kỵ nhật của Đức Thánh Ông; Ngài xưa kia đã có công lớn: Phò Vua đánh giặc cứu nước, bảo vệ muôn dân; Ngài là Đại thần của lưỡng triều Lý – Trần, được tôn Thần và phong là Đương cảnh Thành hoàng cùng nhiều tước vị cao quý; Đô thống Đại tướng quân; Thượng thượng đẳng Phúc thần tối Đại vương; Nam Bình giang Đô thống Đại tướng quân Kiềm hạt sứ; Hộ quốc tý dân; Thượng thượng đẳng Phúc thần tối linh Đại vương.

Ngài được ca ngợi là trung thần, tận phò giúp vua đánh giặc giữ nước, cứu dân; Đó là công lao to lớn, sáng ngời sử xanh.

Phu nhân của Ngài là Phạm Quý thị – Hiệu Từ Ân có công lớn: Phò vua dẹp giặc cứu nước, giúp đỡ dân lành; Ngài được phong tặng nhiều tước vị cao quý: Vi trai tĩnh, Dực bảo trung hưng, Thượng đẳng thần.

Với tài đức song toàn, uy danh lừng lẫy; Khoan dung độ lượng của Đức Thánh Ông, Đức Thánh Bà hiển linh trừ tai, diệt hoạ; Biến hung thành cát, đổi hoạ ra tường; Tạo phúc cho dân: Nhà nhà của cải dồi dào; Người người no ấm, tăng phúc, tăng lộc, tăng thọ. Tiếng thơm lưu danh; Đời đời ghi nhớ noi theo.

Kính mong Đức Thánh Ông, Đức Thánh Bà cùng công đồng Thánh mẫu, Bộ hạ linh quan, lưỡng Ban Văn Võ linh hiền giáng lâm phù độ cho bản dân: Bách phúc nguyện thành; Phú cường, xương cát; Chứng giám lòng thành và thụ hưởng lễ vật.

Kính cáo.

 3-Chúc văn: Ngày hoá (giỗ) Đức Thánh Bà: ngày 22 – 9:

a) – Văn: Âm Hán – Nôm

Duy! Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tuế thứ……………………….

Việt Nam Quốc, Bắc Giang Tỉnh, Lạng Giang Huyện, Đào Mỹ Xã, Bến Cát Thôn.

Kim thiên………………………… niên, Cửu nguyệt, nhị thập nhị nhật, kim nhân húy kỵ nhật Đức Thánh Bà

Đồng bản thái ông, lão bà, nam nữ, thượng hạ đẳng; cẩn dĩ, chi nghi: hương đăng, phù lưu, thanh tước, quả phẩm, trà tửu, kim ngân, minh y, trư nhục, tu thành, tu quả….cung trần phi lễ;

Cảm kiền cáo vu; Cáo lễ huý nhật Đức Thánh Bà: Phạm Quý Thị hiệu Từ Ân – Phu nhân tôn thần Đô Thống Đại Tướng quân; Hộ Quốc Tý Dân. Nậm chử linh ứng; Lịch triều phong tặng. Sắc phong: Vi trai tĩnh; Dực Bảo Trung Hưng; Trang Huy Thượng Đẳng Thần.

Âm thần Đô Thống Đại Tướng Quân; Phu quân Tôn thần – Nam Bình giang Đô Thống Đại Tướng Quân Kiềm Hạt sứ; Thượng đẳng Phúc Thần tối linh Đại Vương

Hộ quốc tý dân; Nậm chử linh ứng; Lịch triều phong tặng.

Gia phong phù trì tế độ, Bảo an trấn tĩnh; Hùng ngự trác vĩ. Dực bảo trung hưng; Thượng thượng đẳng Phúc thần tối linh Đại vương.

Tất cáo lễ!

Đức thánh, hậu đức uy cường; Khoan dong hùng vĩ; Tai tất trừ, hại tất khứ; Công cố cự hồ; Vật dĩ chuẩn; Nhân dĩ khang; Đức kỳ thịnh hỹ; Cung trần lễ số; Nguyện giám đan thành; Cúi xin giãi tỏ; cầu được hộ trì ý nguyện; Người người hoan hỷ vinh xương; Nhà nhà cát tường, khang kiện.

Đội ơn Tôn Thần; Đức Thánh linh hiển, lai thành, lai hạ: Gia lộc, gia ân; Tiếp tài, tăng thọ; Trừ tai, trừ biến; Tống ách nghinh tường; Sung thành bách phúc;

Phối dĩ!

Sinh nghĩa nhị công đồng Thánh mẫu.

Khâm mông

Bộ hạ linh quan, lưỡng ban văn – vũ đồng lai phối hưởng.

Cần cáo !

b)- Văn lược dịch theo Âm Phổ thông: (tuyên lần 2: Ngày 22-9)

Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Năm thứ………. ………  (3,4..)

Là năm (âm lịch)………… (vd: Canh Tý)

Tại Thôn Bến Cát, Xã Đào Mỹ, Huyện Lạng Giang, Tỉnh Bắc Giang, Nước Việt Nam.

Hôm nay,ngày 22 tháng 9, là ngày giỗ Đức Thánh Bà; Phạm Quý Thị – Hiệu Từ Ân.

Đông đảo dân làng: già, trẻ,gái, trai; Thành tâm sửa lễ gồm: Hương thơm, đèn nến, trà, rượu, trầu cau, hoa quả, tiền vàng, quần áo; Thịt lợn, thịt gà, xôi, oản, bánh trái … và các đồ cúng dâng lên án tiền:

Xin kính trình, kính thưa với Chư vị thần linh và anh linh Đức Thánh. Nhân ngày kỵ nhật Đức Thánh Bà. Nhớ lại khi xưa Đức Thánh Bà đã có công lớn phò Vua dẹp giặc cứu nước, giúp đỡ dân lành; Bà được các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn phong tặng những tước vị cao quý: Vi trai tĩnh, Dực Bảo Trung Hưng, Trang Huy Thượng Đẳng Thần.

Phu quân của Đức Bà là: Đô Thống Đại Tướng Quân Lều Văn Minh.

Ngài đã một lòng phò vua triều Lý, hiển linh phò Vua triều Trần đánh tan giặc Chiêm Thành, giặc Nguyên Mông; giữ yên bờ cõi, bảo vệ muôn dân.

Ngài được các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn tôn là Thần, là Thánh, là Thành Hoàng Làng; Và sắc phong là: Đô thống Đại tướng quân; Thượng thượng đẳng Phúc thần tối Đại vương; Nam Bình giang Đô thống Đại tướng quân Kiềm hạt sứ; Hộ quốc tý dân; Thượng thượng đẳng Phúc thần tối linh Đại vương. Nhà nước CHXHCH Việt Nam cấp bằng công nhận “ Đền thờ và Lăng mộ Ngài” là Di tích lịch sử – Văn hóa Quốc Gia.

Với tài đức song toàn, uy danh lừng lẫy; Khoan dung độ lượng của Đức Thánh Bà, Đức Thánh Ông hiển linh trừ tai, diệt hoạ; Biến hung thành cát, đổi hoạ ra tường; Tạo phúc cho dân: Nhà nhà của cải dồi dào; Người người no ấm, tăng phúc, tăng lộc, tăng thọ. Tiếng thơm lưu danh; Đời đời ghi nhớ noi theo.

Một lần nữa kính mong Đức Thánh Bà, Đức Thánh Ông cùng công đồng Thánh mẫu, Bộ hạ linh quan, lưỡng Ban Văn Võ linh hiền giáng lâm phù độ cho bản dân: Bách phúc nguyện thành; Phú cường, xương cát; Chứng giám lòng thành và thụ hưởng lễ vật.

Lễ bạc tâm thành; Cúi xin chứng giám. Kính Cáo!

VĂN KHẤN ĐỨC THÁNH TẠI ĐỀN TỪ KHẢO
Ngày mùng 1 (rằm) hàng tháng

(Văn: Âm Hán – Nôm)

Nam Bình Giang Đô Thống Đại Tướng Quân

Kiềm Hạt Sứ Đại Vương;

Hộ Quốc Tý Dân, nậm chử linh ứng;

Lịch Triều phong tặng.

Khâm Mông!

Gia phong phù trì, tế độ bảo an;

Chấn tĩnh hùng ngự trác vĩ;

Dực Bảo Trung Hưng, Thượng Thượng Đẳng Phúc Thần Tối Linh Đại Vương.

Âm Thần Phàm Quý Thị, thuỵ viết hiệu Từ Ân,

Phu nhân Tôn Thần; Hộ Quốc Tý Dân, nậm chử linh ứng;

Khâm mông!

Sắc phong: Vy Trai Tĩnh, Dực Bảo Trung Hưng,

Thượng Đẳng Thần.

Sinh nghĩa Nhị công đồng Thánh mẫu,

Kính thỉnh: Bộ hạ linh quan, lưỡng ban Văn Vũ,

Đồng lai thượng hưởng!

Kính cáo!

(Sao theo nguyên bản trong “Thần phả Lều Tướng Quần”)

VĂN KHẮN ĐỨC THÁNH TẠI ĐÈN TỪ KHẢO
Ngày mùng 1 (ngày rằm) hàng tháng

(Văn: Âm Phổ thông)

Kính cáo: Hoàng Thiên hậu thồ, Chư vị Tôn Thần

Kính cáo: Ngài Đương cảnh Thành Hoàng Đô Thống Đại Tướng Quân:

Lều văn Minh  cùng Phu nhân.

Hôm nay, ngày mùng 1 (rằm) tháng…………………. năm………………………………….

Tại Đền Từ Khảo thôn Bến Cát, xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang

Tuân theo nghi lễ cỗ truyền; Cứ vào ngày mùng 1 (rằm) hàng tháng; Các cụ lão ông Bến Cát, y phục chỉnh tề;Thành tâm sắm lễ gồm: xôi, oản, chuối, hương hoa, trà thuốc, kim ngân…dâng lên trước án toạ uy linh Đức Thánh.

Thắp nén tâm hương, thỉnh trình anh linh Đức Thánh ông, Đức Thánh Bà, cùng bộ hạ lỉnh quan Văn Võ giáng lâm chứng giám cho lòng thành và thụ hưởng lễ vật.

Đức Thánh đã có công to lớn phò Vua đánh giặc cứu nước, bảo vệ dân lành; Được các triều đại phong Thần ghi công; Được nhân dân tôn kính thờ phụng.

Cũng nhờ âm đức của Đức Thánh ông, Đức Thánh Bà đã hiền linh bảo hộ, che chở cho dân làng Bến Cát đời nối đời An ninh, khang thái, phát triển đi lên.

Nay, nhân ngày mùng 1 đầu tháng (ngày rằm), các cụ bô lão thay mặt dân làng thắp hương kính lễ; Mong Đức Thánh ông, Đức Thánh Bà cùng bộ hạ linh quan gia ân, tác phúc, phù hộ, độ trì cho dân làng thuận hoà dưới trên, Tứ quý bình an, nhà nhà hưng phát, tăng lộc, tiến tài; Cháu con thông tuệ.

Âm phù dương trợ, sở nguyện tòng tâm; Đội ơn Trời Phật che chở; Nhờ đức cả nhị vị Thánh ân; Một lần nữa, gối quỳ, tay chắp, tâm thành, lòng khẩn, khấu đầu vọng bái; Kính xin nhị vị Thánh hiền phù độ cho dân làng: Bách sự hanh thông; cầu gì cũng được; Ước gì cũng thành: Tâm sáng, lòng thành, lễ bạc, kính dâng, cúi xin thấu tỏ.

 

Kính cáo!

VĂN KHẤN

LỄ GIAO THỪA (TRỪ TỊCH) TẠI ĐỀN TỪ KHẢO

– Kính cáo: Hoàng Thiên, Hậu thổ, Chư vị Tôn thần

Ngài cựu niên – đương cai thành khiển

Ngài đưong niên Thiên quan năm……………………………

……………………………………………………………………..

– Kính cáo: Ngài đương cảnh Thành hoàng: Đức Thánh Ông Lều Văn Minh Phu nhân Phạm Thị Từ Ân; Và các Thần linh cai ngự noi này.

Nay là phút giao thừa năm:……………………………………………………………..

Nhân sinh thiêng liêng, năm cũ qua đi;

Giao thừa vừa tới, đón mừng năm mới;

Tam dương khang thái; Vạn tượng canh tân.

Mong ngài Thái tuế Tôn thần;

Trên vâng lệnh Thượng đế, giám sát vạn dân;

Dưới bảo hộ sinh linh, tảo trừ yêu nghiệt;

Quan cũ về triều cửa khuyết, lưu phúc lưu ân;

Quan mới xuống thay, thể đức hiếu sinh, ban tài tiếp lộc.

Đức Thành hoàng – Đức Thánh hiển linh, anh minh;

Bảo hộ dân lành; tiêu tai, trừ ách; Khử sạch tà yêu; Đa phúc lộc thọ.

Đạo hạnh hưng long; Thôn làng cưòng phú.

Nay các cụ lão ông, lão bà đại diện cho dân làng Bến Cát thành tâm sửa lễ gồm: Bánh trưng, rượu, thịt, hoa quả ,bánh kẹo, trà thuốc, trầu cau; kim ngân, y phục cùng các đồ cúng khác dâng lên án toạ uy linh.

Thắp nén tâm hương trình xin các Chư Ngài Thần linh, Thành hoàng cùng Bộ hạ linh quan Văn Võ giáng lâm chứng giám lòng thành và thụ hưởng lễ vật.

Xin các Ngài phù hộ, độ trì cho: Già, trẻ, gái, trai làng Bến Cát: Minh niên khang thái; Vạn sự cát tường; Gia đạo hưng long; Bốn mùa vô hạn ách; Tám tiết hưởng phúc hưng; Nhân lành nảy nở; Nghiệp dữ tiêu tan; Tài lộc vượng tiến; Con cháu thảo hiền. Nhà nhà xuơng cát.

Một lần nữa gối quỳ tay chắp, kính cẩn thỉnh cầu: Các Chư Ngài anh minh, gia ân phù độ cho dân làng: Đầu năm chí giữa, nửa năm chí cuối: Luôn luôn có điều lành mang đến, điều dữ mang đi; Het tai ương, bệnh tật trong nhà; Thuận hoà trên dưới; Bách sự hanh thông; Đắc phúc đắc tài; Cháu con thông tuệ; Tử quý bình an; Mọi việc cầu là được, ước là thành; Đạt như ý nguyện.

Tâm sáng, lòng thành, lễ bạc kính dâng; Cúi xin chứng giám.

Cẩn cáo!

QUAN HÀNH KHIỂN

(GỒM 12 VỊ VÀ 12 PHÁN QUAN)

Người xưa tin rằng: Mỗi năm có 1 vị Quan Hành khiển trông coi việc nhân gian; Hết năm thì vị Thần năm cũ lại bàn giao công việc cho vị Thần năm mới; Nên phải cúng giao thừa để tiễn đưa Thần năm cũ và nghênh rước Thần năm mới; Đi cùng với vị Thần Quan Hành khiển có vị Phán quan (Phán quan là vị Thần giúp việc Quan Hành khiển).

Mỗi vị làm một năm dưới dương gian; Và cứ sau 12 năm thì luân phiên trở lại. Dưới đây là 12 vị Quan Hành khiển và 12 vị Phán quan:

Năm Tý: Chu vương hành khiển; Thiên ôn hành binh chi thần; Lý Tào Phán quan.

Năm Sửu: Triệu Vương hành khiển; Tam thập lục thương hành binh; Khúc Tào Phán quan.

Năm Dần: Ngụy Vương hành khiển; Mộc tinh hành binh chi thần: Tiêu Tào Phán quan.

Năm Mão: Trịnh Vương hành khiển; Thạch tinh hành binh chi thần; Liễu Tào Phán quan.

Năm Thìn: Sở Vương hành khiển; Hoả tinh hành binh chi thần; Biểu Tào Phán quan.

Năm Tỵ: Ngô Vương hành khiển; Thiên hao hành binh chi thần; Hứa Tào Phán quan.

Năm Ngọ: Tần Vương hành khiển; Thiên hao hành binh chi thần; Ngọc Tào Phán quan.

Năm Mùi: Tống Vương hành khiển; Ngũ đạo hành binh chi thần; Lâm Tào Phán quan.

Năm Thân: Tề Vương hành khiển; Ngũ miếu hành binh chi thần; Tống Tào Phán quan.

Năm Dậu: Lỗ Vương hành khiển; Ngũ nhạc hành binh chi thần; Cự Tào Phán quan.

Năm Tuất: Việt Vương hành khiển; Thiên bá hành binh chi thần; Thành Tào Phán quan.

Năm Hợi: Lưu Vương hành khiển; Ngũ ôn hành binh chi thần; Nguyễn Tào Phán quan.

Chú ý: Trong bài văn khấn, phải khấn danh vị các Thần Quan hành khiển và Phán quan theo năm làm việc của các Ngài.

 Văn Khấn Ngài Nam Bình Giang Tài Đền Từ Khảo

 VĂN KHẤN

 (Tại Đền Từ Khảo)

Kính lạy Ngài: Nam Bình Giang Đô Thống Đại Tướng Quân Lều Văn Minh và Phu Nhân Tôn Thần Phạm Thị Từ Ân

 

Hôm nay, ngày … tháng …. năm……

Tín chủ con là: …………………………………….

Hiện tại ở: ………………………………………………

Con thành tâm lễ lên Đền Đức Thánh: Lễ gồm:………

Trình xin Đức Thánh chứng giám cho con (về việc gì kể ra)….

Chúng con người trần phàm tục, hiểu biết nông cạn, có gì sai sót xin Ngài rộng lượng đại xá và khai thông, khai sáng cho tâm đạo mở mang.

Trước án tọa uy linh, xin Đức Thánh Ông, Đức Thánh Bà phù hộ độ trì cho chúng con: Cầu tài đắc tài, Cầu Lộc đắc lộc, Cầu công danh được công danh. Có bệnh thì tan, có nạn thì khỏi. Biến hung thành cát đổi họa vi tường. Con cháu thảo hiền thông tuệ. Tứ quý bình an. Cầu được, ước thành như ý nguyện.

Lòng con thành khẩn, dạ con thiết tha.

Lễ bạc tâm thành, cúi xin chứng giám

Kính tạ!

Văn Khấn Ngài Hoàng Minh Thái Giám Thần Thần Vị tại Nghè Khảo

 VĂN KHẤN

(Tại Nghè Khảo)

Kính lạy Ngài: Hoàng Minh Thái Giám Thần Thần Vị

Cùng các Quan: Sơn Thần Thổ Địa, Long Mạch, Hà Bá Long Vương, Thần Linh Cai Quản Trong Khu Vực Thôn Bến Cát xóm – Đào Mỹ xã – Lạng Giang huyện – Bắc Giang tỉnh.

Hôm nay, ngày … tháng …. năm……

Tín chủ con là: …………………………………….

Hiện tại ở: ………………………………………………

Con thành tâm lễ lên đức Ngài: Lễ gồm:………

Trình xin Đức Ngài chứng giám cho con (về việc gì kể ra)….

Chúng con người trần phàm tục, hiểu biết nông cạn, có gì sai sót xin Ngài rộng lượng đại xá và khai thông, khai sáng cho tâm đạo mở mang.

Trước án tọa uy linh, xin Đức Ngài phù hộ độ trì cho chúng con: Cầu tài đắc tài, Cầu Lộc đắc lộc, Cầu công danh được công danh. Có bệnh thì tan, có nạn thì khỏi. Biến hung thành cát đổi họa vi tường. Con cháu thảo hiền thông tuệ. Tứ quý bình an. Cầu được, ước thành như ý nguyện.

Lòng con thành khẩn, dạ con thiết tha.

Lễ bạc tâm thành, cúi xin chứng giám

Kính tạ!

X. LỊCH SỬ NGÔI ĐỀN TỪ KHẢO VÀ THÔN BẾN CÁT – XÃ ĐÀO MỸ – LẠNG GIANG – BẮC GIANG

LỊCH SỬ NGÔI ĐỀN TỪ KHẢO

Lời Ngỏ:

Thưa các vị quý khách và bạn đọc.

Từ thời xa xưa cho đến ngày nay, nhân dân thường nghe lịch sử của đền Từ Khảo ở vùng Đào Quán, Lạng Giang. Được lưu truyền lại đến nay cũng đã được hơn một thế kỷ. Nhiều người đã hỏi với chúng tôi tại sao gọi là đền Từ Khảo?

Để giải thích việc này, nhằm giúp quý vị hiểu về những điều cơ bản của ngôi đền. Tôi xin được chia sẻ như sau:

Trước đây cụ Tam là con của cụ cai Thông đã kể cho anh em chúng tôi nghe nhiều lần. Do ham mê nghe truyện, nên đã ghi vào tâm trí của tôi. Vì có tính tò mò, nên cứ hỏi sâu thêm vào truyện của các cụ – cho thật rõ ràng. Sau này tôi lại hỏi tiếp cụ Tứ, vì cụ Tứ là bậc nhà nho, cụ là thủ nhang lâu năm ở ngôi đền này. Muốn nắm được rõ chuyện cụ thể, Tôi hỏi cụ Dương Nguyên Súy ở làng Phù Lão, cụ Nguyễn Ngọc Giáp ở Trường Hà, cụ Thưởng ở Bến Cát, cụ Đĩnh ở Làng Gai (Tức Bang Châu).

Còn phần tôi khi còn nhỏ, hay được lên quét sân ở trên đền, đun nước thay cho bố tôi (cụ Nguyễn Văn Đồng) vào những ngày tiết lệ, vì bố tôi làm thủ nhang ở ngôi đền này và làm ông trùm của xóm. Từ đấy, tôi đã tiếp xúc được với các bậc cao niên trong làng,  nên càng hiểu thêm được nhiều chuyện.

Nay tôi ghi chép lại, làm cơ sở để cho con cháu tìm hiểu. Nếu bạn đọc có được tư liệu rõ hơn, thì hợp tác với tôi để hoàn thiện cuốn gia phả lịch sử của ngôi đền, nhằm truyền lại cho thế hệ tiếp theo. Tôi mong muốn và trân thành cám ơn sự hợp tác của quý bạn đọc.

Chúc bạn có sức khỏe và hạnh phúc!

Người viết: Nguyễn Văn Ước

Bài Viết Gồm 4 Mục:

  1. Sự hình thành của đền Từ Khảo
  2. Ngôi Đền dưới thời Phong Kiến
  3. Sau cách mạng tháng tám – 1945 cho hết thời kỳ bao cấp
  4. Từ thời kỳ đổi mới đến nay.

A . SỰ HÌNH THÀNH CỦA ĐỀN TỪ KHẢO

Đền Từ Khảo đã có từ thời xa xưa, do tổ tiên xây dựng để lại. Nhiều thế hệ kế tiếp và kế thừa.

Đền xây dựng trên gò đất cạnh bờ sông Thương, hướng Đền nhìn ngang sông về phía bắc. Kiến trúc của đền hình chữ Đinh gồm hai gian cung thượng và ba gian tiền tế.

Hình ảnh: Kiến Trúc chữ Đinh (ảnh tham khảo)

Tổng diện tích mặt bằng gồm: Đền, sân, vườn cây rộng khoảng 3500 m2. Ngoại cảnh vườn Đền có nhiều cây cổ thụ. Có những cây Đa, cây Gạo, cây Si đường kính trên 1m. Có 7 cây Hồng Pháp cao hơn 30m, cây Nhột, cây Chòi Mòi, cây Cọ. Nhiều loại cây gỗ rừng, cây đại cổ thụ.

Đặc biệt, một cây gạo cổ thụ đường kính lớn mọc ở cạnh miếu lộ thiên cùng với cây Si cong gù như một cầu thang. Cây Si có bộ rễ to, cuốn vào cây gỗ Gạo, tạo thành những bậc tự nhiên. Trẻ con trong làm thường leo lên cây Si rồi chuyền sang cây Gạo để bắt tổ chim và lấy quả Gạo ăn. Cây gạo, cây Si đã tạo thành hình cái võng, nên nhân dân coi đây như là võng của thần tiên. Thật là địa linh, có sự cuốn hút như chốn bồng lai tiên cảnh. Những bóng cây cổ thụ to lớn, tĩnh mịch nằm trong khuôn viên yên tĩnh của ngôi Đền, hòa nhập cùng con sông uốn lượn với dòng nước trong xanh, đã tạo nên một phong cảnh sơn thủy hữu tình.

Cây Si và cây Gạo mọc ở cạnh miếu. Miếu lộ thiên này thờ phu nhân Phương Dong Công Chúa Phạm Thị Tuệ.

Ngôi Đền cách Nghè khảo khoảng 150 m. Đền và Nghè cùng chung một hướng Đông Bắc của một khuôn viên nằm trong một quần thể, vì thế mà có thên là Từ Khảo.

Đền thờ ngài Nam Bình Giang Đô Thống Đại Tướng Quân cùng với Phu nhân của ngài là Mỵ Nương Phương Dong Công Chúa Phạm Thị Tuệ. (Danh xưng này là do các cụ truyền lại) – Sau khi tìm về nguồn gốc chính sử thì tên của mẫu là: Phạm Thị hiệu Từ Ân

Ngôi Nghè thờ vị thần, với bí danh của người là: Hoàng Minh Thái Giám Thần Thần Vị.

Ngày lễ là ngày 10 tháng 2 Âm lịch hàng năm.

B. NGÔI ĐỀN DƯỚI THỜI PHONG KIẾN

Hàng năm, dưới sự tác động của thiên nhiên. Nước lũ đã làm xói mòn, sạt lở bờ sông trước cửa Đền, sân Đền dần dần bị thu hẹp lại. Lo ngại không đảm bảo lâu dài, theo nguyện vọng của nhân dân trong vùng, đã thỉnh cầu nguyện vọng với nhà chức trách thời bấy giờ. Đa phần những nhà thương lái buôn thường đi lại bằng đường thủy, đi đò dọc từ Bắc Giang lên bến sâu mua củi, mua gạo ở chợ Luộc (chợ Tân Quang) xuôi về Bắc Giang tiêu thụ. Mỗi lần qua lại dòng sông, phải lên Đền làm lễ rồi mới dám đi xuôi thuyền. Thời bấy giờ, ở làng Gai, xã Đào Quán có vị quan cai quản ở Bang Châu này, tên là Dương Ngọc Rốc (cụ làm quan Bang Châu, tại gia có lĩnh rõng gác từ cổng). Cụ đã xoay lại cổng và hướng Đền như ngày nay, dựng lại hướng mới vào ngày 10/2/1831 (Âm Lịch). Và đổi tên Đền của xã Đào Quán, tổ chức gồm có ba làng làm hội. Đó là: làng Trừng Hà, Phù Lão, Gai Quán. Mỗi làng làm một kiệu thần rước về văn chỉ làng xã tập trung, rồi rước về Đền tế lễ xong rồi lại rước về xã làm hội ba ngày ở Tân Quang. Nên đã có câu ca nói rằng:

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ về Đào Quán mồng mười tháng hai

Trừng Hà, Phù Lão, Làng Gai

Ba làng mở hội cầu tài, cầu vinh

Kiệu thần từ ba cửa đình

Trống dong cờ mở uy linh về Đền”

Xuống sông múc nước trong lên, dâng nước vào Đền lễ tế nghiêm trang.

Trước đây, ở Đền còn có con rắn mình trắng, có mào, đầu và cổ đỏ. Dài như con rắn thằn lằn, hằng ngày thường chui vào cây chòi mòi rỗng lõi. Chúng tôi xem và trêu nó, nhưng nó rất hiền lành và không cắn. Con rắn chẳng đi đâu, nhân dân cho đây là rắn thần.

Vì đền ở cạnh bờ sông Thương. Trông ngược dòng sông lên bến sâu, trước án tiền của Đền có hai chữ hán cao lớn là chữ: NGHIÊM TÚC嚴肅Nghĩa là vào đền phải trong sạch, nghiêm trang.

Trước cửa Đền khoảng 200 m có bến đò, ngày đó thường gọi là Bến Sâu. Một bên tiếp giáp đình Giang xã Bố Hạ- huyện Yên Thế. Bên này tiếp giáp với chợ Luộc (Tân Quang) của xã Đào Quán. Bến Sâu là nơi tập kết hàng hóa của thương lái chủ yếu là củi và gạo. Xuôi qua đò dọc về Bắc Giang tiêu thụ.

Khi qua cửa đền, thương lái lên làm lễ ở Đền. Do vậy, mà khách vào ra tấp nập hàng ngày của những phiên chợ, một cảnh trên bến dưới thuyền.

Theo cổ truyền địa phương, hàng năm có những lệ như. Năm mới cứ mồng bốn tháng giêng lễ ra cửa, ngày 10 tháng giêng, lễ thượng nguyên năm mới.

Ngày 10 tháng hai lễ hội. Xã Đào Quán mở hội du tiên và rước kiệu về Đền tế lễ gọi là Đền của xã Đào Quán.

Ngày 10 tháng 4 là lễ vào hè

Ngày 10/7 là lễ vu lan và ra hè

Ngày 10/12 lễ tất niên

Những ngày lễ tiết, người làm lễ phần lớn là nam giới và những vị chức sắc trong xã Đào Quán. Vật phẩn dâng lên làm lễ là chay như: oản quả, chè nước, trầu cau.

Đền có vị thủ nhang, thường trông nom quét dọn và tu lễ những ngày lễ tiết. Cụ Nguyễn Văn Vãng là trưởng thôn Khai Hóa (Bãi Cát ngày nay) và kiêm cả thủ nhang của Đền. Đến khi cụ Vãng qua đời, dân lại cử cụ Nguyễn Văn Đồng tiếp tục công việc thủ nhang những ngày tiết lễ. Cụ thủ nhang chuẩn bị lễ sẽ:  Làm xôi, đóng oản, đun nước, quét dọn. Vì vậy, mà anh Thích và tôi cứ thay phiên lên Đền giúp việc cho bố (cụ Nguyễn Văn Đồng).

Đặc biệt là ngày 4 tháng 1 lễ ra cửa thì tu lễ mặn. Lúc bây giờ dân số ít, không kể nam hay nữ. Mỗi năm là 4 người tu lễ theo lệ làng xóm. Mỗi xuất là 1 con gà trống, 3 kg và hai đấu gạo nếp, 1 chai rượu, trầu cau và nửa đấu gạo tẻ. Chiều mồng 3 tết tập kết lễ ở nhà cụ Đồng, tối thịt gà rồi hầm cả đêm, sáng ra làm xôi. Sáng mồng 4 tháng 1 (âm lịch) chia làm 2 kiệu. Rước lên đền một kiệu, rước lên nghè 1 kiệu. Làm lễ xong về nhà cụ Đồng thụ lộc. Chủ yếu là xôi gà và ăn cháo cụ nấu bằng nước hầm gà.

Buổi chiều lên sân Nghè Khảo mở trò chơi dân gian. Như kéo co, kéo cóc, đánh vật. Kỷ niệm của tôi nhớ là cụ Ký Hảo vật cụ Âu. Cụ Âu va mồm vào rễ cây Đa bị vỡ quai hàm, thế là cứ gọi là ông (Âu móm).

Đây là thời kỳ trước cách mạng tháng 8 nên còn nặng về thủ tục cúng lễ, sau cách mạng tháng 8 thì đơn giản hơn.

C. SAU CÁCH MẠNG THÁNG 8 / 1945 ĐẾN HẾT THỜI KỲ BAO CẤP.

Trước cách mạng tháng 8. Đặc biệt, ngày 24 tháng 6 năm 1945. Cụ Nguyễn Văn Thưởng và tổ tự về có 5 người tập kết ở Đền Từ Khảo. Với một chiếc thuyền nan do cụ Thưởng chỉ huy, đã ngược dòng sông lên bến Thác đón bà Hà Thị Quế từ Yên Thế về nhà Chánh Triệu (làm trưởng đồn Bố Hạ, cho Nhật đóng quân ở đấy) để đánh Nhật. Quân ta làm chủ, giành thắng lợi an toàn, cho nên cụ Thưởng được hưởng quyền lợi là cán bộ tiền khởi nghĩa từ đây.

Năm 1950,  Pháp đánh bom chum xuống chùa ba nước – xóm Cái, làng Trừng Hà, xóm Rậm (xóm Đông), xóm Thắm, Cầu Bạc làng Phủ Lão, xóm Mỹ Cầu. Do vậy, nhân dân ở xóm Ruồng Cái làng Trừng Hà phải sơ tán xuống đồi sim (gọi là rừng sim). Vì thế, làng Trừng Hà có thêm xóm Rừng Sim. Từ đó, Đền Từ Khảo lại là nơi sinh hoạt văn hóa chính trị của làng Trừng Hà, do ông Nguyễn Đăng Gác làm chủ tịch liên việt điều khiển họp hành. Ông Ký Bảo là trưởng thôn của làng điều hành công việc. Đây còn là trường học bình dân của làng.

Thời kỳ đánh Mỹ đến tháng 8 năm 1965, kho xăng dầu sơ tán về Đào Mỹ. Trong đó kho ở đồi Lốc, làng Gai và một kho xăng khu vực bến Sâu và Rừng Sim. Đến ngày 13-5 Âm Lịch năm 1966. Mỹ cho may bay đánh vào 2 kho xăng, xóm Rừng Sim bị tàn phá nặng nề nhất, trong đó có Đền Từ Khảo cũng bị tàn phá nặng nề với 5 quả bom của Mỹ. Trận đánh bom đó đã san phẳng khu di tích lịch sử của địa phương. Đến năm 1972 nhà máy gạch Tân Xuyên, Lạng Giang sơ tán về khu vực Bến Cát, công nhân thì ở nhà dân. Đền Từ Khảo là nơi sinh hoạt như hội trường, bếp ăn. Thời gian là 3 năm.

Sau hòa bình lập lại năm 1975, cụ Nguyễn Hữu Tứ vận động nhân dân củng cố khôi phục lại ngôi Đền bằng tấm lòng hảo tâm. Mọi người cùng quyên góp: Tre, Gỗ,.. đã làm lại được nơi thờ cúng tạm thời.

D. TỪ THỜI KỲ ĐỔI MỚI ĐẾN NAY

Đến năm 1997 cụ Tứ nghỉ, dân cử 2 cụ Nguyễn Đăng Nhạc là trưởng ban quản lý di tích đền, cụ Nguyễn Văn Ước là phó ban cùng nhân dân xây dựng lại cung thượng. Đến năm 2000 thì cụ Nhạc xin nghỉ.

Nhân dân cử cụ Ước làm trưởng ban trong năm 2000. Cụ Ước đã tổ chức làm lại  bếp, làm sân khấu để sinh hoạt văn nghệ, làm thêm mái hiên cửa Đền, củng cố sân thềm, và đổi ruộng san sân bóng.

San lấp hố bom trong lúc đổi ruộng năm 2006 là có công của cấp ủy, từ anh Duyệt làm bí thư chị bộ, anh Ích làm trưởng thôn.

Phấn khởi nhất là năm 2002 cụ Ước vận động nhân dân, được hưởng ứng cao đã phục hồi được ngày lễ truyền thống là ngày 10/2 âm lịch hàng năm theo lịch sử của xã Đào Quán năm Canh Thìn 1940, hội đu tiên của xã và đã tổ chức lễ và giao lưu mở rộng ngày hội lệ như ngày xưa.

Năm 2007, cụ Ước xin nghỉ trưởng ban. Dân lại cử ông Đoạt là trưởng ban.

Tháng 8 năm 2013 nhân dân trong làng đã cùng nhau tu tạo, xây lại ngôi Đền khang trang hơn

Ngôi Đền sau khi tu tạo năm 2013 – Ảnh chụp tháng 1/2021

Năm 2016, ông Đoạt cùng với anh Mỹ trưởng thôn vận động nhân dân xây dựng lại 3 gian cung thượng, hiện như ngày nay và đến năm 2018 ông Đoạt nghỉ trưởng ban.

Ảnh bên trong Đền Thờ Ngài Nam Bình Giang Đô Thống Đại Tướng

Ảnh chụp tháng 1/2021

Ban Thờ Mẫu: Phạm Thị Tuệ – Ảnh chụp tháng 1/2021

Cùng năm 2018, Dân lại cử ông Nguyễn Viết Thoa làm trưởng ban. Cuối năm 2019, Ông Thoa kêu gọi nhân dân và các con cháu đi làm ăn xa cùng đóng góp được gần 200 triệu và nâng cấp được ngoại cảnh trong toàn khuôn viên như đường sân bóng, sân khấu khang trang.

Thưa toàn thể nhân dân và quý vị đại biểu!

Từ ngày, thôn Bến Cát được nhận danh hiệu là nông thôn mới, nhà Văn Hóa khang trang, bê tông cứng hóa đường làng được nâng cấp, đời sống và bộ mặt nông thôn không ngừng đổi thay. Song còn cảnh quan quần thể ngôi đền thuộc về Di tích Lịch sử Văn hóa chưa đáp ứng với làng. Mong muốn của nhân dân chính vì những lẽ đó mà ban mặt trận, các ban ngành cùng ban quản lý đền, với sự đồng thuận của dân mở cuộc vận động toàn dân và những nhà tài trợ, như những anh em đi làm ăn xa luôn hướng về quê nhà với tấm lòng thành muốn cho quê hương ngày càng giầu đẹp. Thay mặt toàn thể dân làng tôi xin trân trọng cám ơn tình cảm của toàn thể nhân dân cũng những người con xa quê đã luôn hướng về nguồn cội. Nơi mình đã sinh ra và lớn lên.

XI. DI TÍCH NGHÈ KHẢO

Ảnh nghè Khảo – xóm Bãi Cát – Đào Mỹ – Lạng Giang –Ảnh chụp tháng 1/2021

Nói đến Nghè Khảo, phải sơ qua lịch sử của làng Trừng Hà thời xưa và làng Trường Hà ngày nay.

Theo chuyện kẻ lại rằng, từ thời xa xưa. Làng Trừng Hà chỉ có ba xóm: Xóm Ruồng, xóm Cái, xóm Rậm (tức xóm Đông) và xóm Bờ Đê (tức Đồng Mới). Riêng xóm Đồng Mới thành lập sau, cả làng chỉ có trên 90 hộ dân. Riêng đồi Sim còn gọi là Rừng Sim làng quy định để thả trâu bò, chỉ có đồi đất hoang với sim, mua. Còn xóm Trại Cát chỉ là rừng rậm có đủ thú rừng như: Hổ, lợn rừng, khỉ, vượn, chim thú,… vì trước kia tổ tiên ta tranh chấp, giành giật từng cánh đồng với những làng khác để vạch đường biên giới thổ nhưỡng với Tiên Lục. Nên các cụ chỉ xây dựng đình làng tại khu trung tâm như ngày nay nên không tiến thêm được. Nên đã gọi tên là làng Trừng Hà.

Đến năm 1957 có 3 cụ từ xóm Ruồng Cái

Cụ Nguyễn Đăng Nam – xóm Cái

Cụ Nguyễn Văn Sắn – xóm Ruồng

Cụ Nguyễn Văn Vãng- xóm Ruồng

Rủ nhau xuống khai hoang, vỡ rậm ở Bến Cát lấy tên là xóm Khai Hóa. Ở sông Thương có bãi cát bồi và nhiều bãi mầu, sau đổi tên là xóm Bến Cát như ngày nay. Ba cụ chia nhau, mỗi người một khoảnh để tiện trông nom. Đặc biệt cụ Nam đánh bẫy được con hổ ở khu vực chuôm chấu, đã bị ông Bang Châu đe phạt. Thế là cụ phải nhờ người nói hộ, rồi biếu không con hổ để khỏi bị phạt. Còn ở Đồi Sim, đa phần đồng bảo ở vùng xuôi tản cư lên ở, rồi nhập khẩu. Sau này dân cư đã có trên 40 hộ.

Còn về Nghè Khảo chỉ là rừng nứa vầu và gỗ, trong đó có một ngôi Nghè bàn thiên không rõ xây dựng từ bao giờ. Ba cụ rủ nhau chặt gỗ và nứa dựng thành gian Nghè để thờ cúng. Gỗ và nứa chặt tại chỗ ở đồi khảo từ ngày 3 cụ xuống ở, đến năm 1945 thì dân số phát triển ở Bến Cát là 18 hộ.

Cũng từ năm 1937 làng Trừng Hà, diện tích kéo dài thêm 3 cây số, nên làng đổi tên thành làng Trường Hà như ngày nay.

Tổng số đất Nghè rộng là sáu sào bắc bộ. Có nhiều cây gỗ cổ thụ, sau các cụ vỡ rậm. Trồng những cây cổ thụ gồm 4 góc vườn là 4 cây Đa to, nhiều cây Bàng, cây Sộp, cây Đề. Song đến nay, diện tích Nghè có một số hộ dân xin đất làm nhà, nên mặt bằng bị thu hẹp.

Phong cảnh rừng rậm rạp đã tạo nên một sự yên tĩnh, khiến cho người qua lại tự mình có những cảm giác sợ không dám nhìn lên Nghè. Nên sau khi xây lại Nghè vào năm 1904 bằng gạch như ngày nay, trước án tiền có viết hai hàng câu đối bằng chữ hán nôm (tôi không nhớ rõ, nổi lên là 3 chữ Hán to cao khoảng 50 cm là: Hành Ngưỡng Chỉ có nghĩa là đi ngẩng trông).

Thưa toàn thể nhân dân và bạn đọc.

Một quần thể Đền và Nghè đến nay cũng đã trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, do hoàn cảnh chiến tranh kéo dài. Nên đình chùa, nghè, miếu có phần nào xao nhãng về mặt tâm linh. Năm 2014. Cụ Ước đề xuất và được các cụ đồng ý tổ chức làm tuần: Một tháng 2 lần mồng một và ngày rằm. Sau hòa bình lập lại và không còn thời kỳ bao cấp, được nhà nước cho nhân dân quyền tự do tín ngưỡng. Trong phạm vi các nơi thờ cúng dần dần được khôi phục trong khuôn khổ, dân tự nguyện đóng góp tiền của sửa chữa và xây dựng lại ngày càng đẹp lên. Những thành quả trên là nhờ có sự đoàn kết, thống nhất của toàn dân cùng đóng góp công, góp của để củng cố và xây dựng. Thể hiện sức mạnh toàn dân.

Thưa các bà con nhân dân. Những cơ sở vật chất và cảnh quan quần thể di tích đền Từ Khảo đã có từ lâum nên đã chứng kiến biết bao nhiêu sự biến cố, thăng trầm biến đổi của lịch sử và thời gian. Mỗi người dân ở quê hương cần phải bảo vệ trông nom với tấm lòng từ tâm, mọi người đáng được tự hào rằng ta là người sống có trách nhiệm với cộng đồng

Danh Sách Những Vị Đã Làm Trưởng Ban Quản Lý Và Thủ Nhang Nhà Đền

STT Danh Sách Và Năm
1

Cụ Thống – Trưởng Ban

Cụ Vãng – Thủ Nhang
2 Cụ Nhạc – Trưởng Ban Cụ Đồng – Thủ Nhang
3 Cụ Ước – Trưởng Ban Cụ Tứ – Thủ Nhang
4 Ông Đoạt – Trưởng Ban Cụ Tấc – Thủ Nhang
5 Ông Thoa – Trưởng Ban Ông Đoạt – Thủ Nhang

 

Người Viết: Nguyễn Văn Ước

Đánh máy và biên chỉnh: Thanh Giang

Hà Nội, 1 tháng 1 năm 2021

XIII. THẦN TÍCH HÁN NÔM – VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM VIỆT NAM

(Mã số AE a14/12)

XIV. PHIÊN ÂM

Tờ 1a:

Bắc Giang Tỉnh, Lạng Giang phủ, Thọ Xương tổng, Thọ Xương xã

Thần Tích

Việt Thường thị, Lý triều công thần phụ quốc đại hữu nguyên huân, khả phong Thần tước: Nhất vị đại vương ngọc phả cổ lục, Quốc triều Lễ bộ công thần chính bản. (Lục bộ Nhân thần, thuộc Thủy, Cấn chi).

Việt tích Nam thiên khởi vận, thánh tổ ưng đồ nhị thập dư niên. Hùng Vương kiến quốc hiệu chi Bách Việt vi tổ yên. Đãi chí Hùng gia dư duệ, Đông Hán, Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần phàm tam bách tứ thập cửu niên. Nam Quốc Sơn hà thuộc tòng nội bộ. Đãi chí ngã quốc Nam Man. Đinh, Lê, Lý Trần đô thị anh quân kế trị. Hẫu viễn chí ngã quốc Nam Bang, Lý triều Thái Tông chi vi quân, văn tu võ bị, chính trị khoan hòa, thời xưng thịnh trị chi an quân dã.

Tiền thử chi thời, thế truyền tại Nghệ An trấn, Thiên Phúc huyện, Cao Xã trang hữu nhất lệnh gia tính.

Tờ 1b: Lều, húy Chân, thê Hoàng thị, phu thê kết phát tố dĩ chu hành thủy ngư sinh nghiệp. Thời tại bản trấn địa nội chi Hồ Khẩu trang hữu nhất địa xứ tại Bình Giang biên, hữu nhất xứ thâm tự uyên để, Phu phụ nãi xanh trạo chuy duyên lân thử Bình Giang giới dĩ võng ngư vi nghiệp, đắc nhất hoàng xà nhập tại võng trung. Phu phụ việt thủ dĩ quan, giá xà thống nhập thái nương chi thân thượng. Thái nương đại khiếp, thủ trực chấn khí chi. Tự nhiên xà tự biết một. Tại thử niên gian thái nương cảm nhi thành dựng,  chí Quý tị (?) niên chính nguyệt sơ cửu nhật mãn nguyệt chí sinh kỳ, đĩnh sinh nhất nam. Phu phụ dĩ vi thiên chi tứ phúc. Cố mệnh danh viết: Minh, công kỳ mạo diện khôi kỳ, thân dùng trường đại, kỳ bối hậu hữu nhất xà dốc điểm nhất hàng. Tự thử nãi năng dưỡng dục đắc nhất niên gian, tại bản địa chi Bình Giang xứ, văn hữu Ngô tặc.

Tờ 2a: Nhập khẩu dục đồn binh tại thử. Công chi phu phụ huề tương thê tử tầm chi tha xứ lập nghiệp sinh nhai, tuế nguyệt chu hành giang thủy. Hốt chí ngộ Kinh Bắc trấn chi Nhật Đức giang phái, tại Thọ Xương trang, Giang Tân phận tự nhiên thiên địa hối minh, phong vũ ba đào chu đại khuynh đảo. Thử gian tại Thọ Xương trang hữu nhất danh gia lệnh trưởng Nguyễn Công Quyền, niên ngoại lục tuần, tình năng cầu nhân tế vật, suất nhân viết cữu nhị, tam tứ nguyệt gian, phu phụ dục tương huề bão nam tử vững hành tha xứ. Nối chí Giang Tân xứ tự nhiên kiến phong vũ ba đào, chu bất năng ngộ, nhân dân giai viết: “Thiên sắc định dĩ”. Nhiên dĩ tam tứ kỳ, phu thế nãi ý cư thử lập nghiệp sinh nhai, tứ ngũ niên dư nam tử niên chí lục tuế. Phu phụ kiến Công Quyền chi gia tư phú hữu vi nhân hiền hẫu nãi nguyện phó giá nam tử tứ.

Tờ 2b: Vi dưỡng tử tự thử Công Quyền nãi năng dưỡng dục. Phu phụ bất tự hồi tham bản quán gia dưỡng. Tự thử chi hậu bất kiến chí một kỳ âm tín. Kỳ giá nam tử kiến thân thuộc ỷ cư tại Công Quyền chi gia. Sở bản đại nhân dân kiến nam tử chi diện mạo hình dung giai ái phục chi dã. Cập chí niên thập cửu tuế, kỳ tính bẩm thiên tư vi nhân vũ dũng tài trí, thông minh hựu năng du sơn lạc thủy, nhật nguyệt thường thường du khách địa hạt lân ấp, kết tập nhân tài, chiêu hội thần tử dĩ hợp trí thí tài (thử gian kết kỳ gia thần tại Kính Nhượng trang vi biệt Ngọc tích). Cập kỳ niên nhị thập tam tuế, tài năng chấn thế, vũ dũng xuất nhân. Nhân nhân nhất giai qui phục xưng thần chi nhĩ. Hốt kiến tại Càn Phú niên gian. Văn hữu Chiên tặc nhập khẩu

Tời 3a: nhiễu lược dân cư, xâm thủ kỳ địa. Đế nãi mệnh đình thần tướng binh vãng chinh chi lũy phiên bất khắc. Công văn chi tự viết:”Sĩ sinh tư thế, hà dĩ lưu danh hậu thế!”. Tức hội tập bản cư nhân dân kết vi thủ túc, chiêu các sở gia thần vãn Bình Chiên khấu, trợ kỳ quân quốc. Đế văn ghi triệu nhập yến tiền. Đế đại ái kỳ tài, tức bái vi Đại tướng quân. Công phụng mệnh dữ gia thần thủ túc vãng chinh tiến binh, thủy đạo cự chiến nhị phiên, tặc bất năng cự, thoái hổi bản quốc tận viễn kỳ địa, thái bình chi nhĩ. Công tiến hồi triều quốc yết bái đế tiên. Đế nãi phong tước chí Đô Thống Đại tướng quân, Công bái thỉnh đế tiền khất hồi vui Thọ Xương trang phường dĩ khai thưởng quân dân, hậu dữ thang ấp ỷ dã. Cập quản tại giang hà nhất đới. Đế tự ứng hứa chi. Công tiến hồi bản cư hành kỳ hạ lễ, thưởng tứ quân dân (thử gian diệc hữu Kính Nhượng trang thần

Tờ 3b: tử đồng nhất yến hội tại biệt Ngọc tích dã). Công nãi tái cáo nhân dân viết: “Ngô nãi bản ấp nhân dân, nãi ỷ sinh chi địa, kim ân quốc lạc vô dĩ vi lạc. Đại hành hạ thưởng dĩ kết hợp nhân dân sinh vi dân chi tướng, tử diệc vi dân chi thần”. Nhân dân phụ lão nhất giai bái tạ. Sự bất, công cư tại bản địa tam nguyệt gian, vị cập hổi triều. Thử gian, Chiên tặc Dao tặc dao văn tiền vi công sở bức, tặc đại oán hận trực tiến hành thủy đạo, chu thuyền tịnh tiến dĩ tập sát công, tiến tòng giang giới, chí tại Thọ Xương phường Giang Tân phái, công bất tri hà kế, thân trực dạ khứ, dĩ đạo khuy tặc chi cơ pháp bất ý vi tặc tướng sở hại. Công thất kỳ cơ bị kỳ hại, nãi bái ngưỡng hô thiên quá giang, hồi chí Phú Yên trang chi địa (Kỳ Phú Yên tiền hữu nữ nương Phạm Thị công tương kết, cấp dưỡng tại biệt Ngọc Tích). Công trực chí Kính Nhượng thần tử trang chi địa, thoái xuất kỳ quan.

Tờ 4a: Tự kiến thiên địa hối minh, phong vũ đại khởi tọa vu bản địa thích một tại thử, thi niên ngũ nguyệt nhị thập tam nhật. Thời tại Phú Yên trang, nhân dân tiên tư hô đồng chí thử quan kiến thổ trùng dĩ phong thành đại mộ (Kỳ hiện tại thử hậu, nhân hiệu Mả Vua xứ). Tự thử tại Thọ Xương phường nhân dân dĩ vi thần tử lễ địa hành ký tống lễ lập nhất miếu từ tại y Giang Tân xứ, phụng tự hướng hóa vô cùng yên. Cập hậu, viễn chí Trần triều Anh Tông chi vi quốc, hốt hữu Nguyên tặc cúc tích kỳ lương binh, xâm lược kỳ địa. Đế đại hoạn, thân cư xa giá tiến binh, vãng chinh cúc chí Thọ Xương phường chi Giang Tân địa, tự kiến nhật trung dương ngọ, thiên địa hối minh, phong vũ phá loãng, đại quân bất năng hành. Đế nãi đồn binh túc thử, vọng kiến tại bản ấp Giang Tân xứ, tự hữu quan nhân cao đại y quan xán lạn, lập tại giang trung, hông quang xích ảnh đại khiếu chi.

Tờ 4b: Tự xưng Lều Nam Bình Giang sứ, kim văn bệ hạ thân chinh, cổ lai hiển trợ, quản thống giang hà, hưởng Phúc thần. Ngôn hết biến mất. Đế kiến kinh dị lập đàn tế yết, triệu dĩ nhân dân vấn kỳ sự. Nhân dân tường tấu, đế cấp tiến binh vãng chinhchis tại tặc sở, bàng hoàng vọng kiến tặc quân đồn trung, tự hữu nhân lập cao đại, đại khiếu lôi đình, tặc giai khủng khiếp. Đế tri âm trợ chi lực, trực giáp công chi nhất trận, tặc quân đại bại, gái tranh tẩu tán. Tướng cáo viết: “Thiên trợ trần gia, tận viễn kỳ địa”. Bất chi lao binh, tặc tự bình nhĩ. Đế đại gia hữu anh linh, tiến hồi triều quốc, cấp mệnh đình thân đệ tướng sắc chỉ, bao phong mỹ tự, gia tứ nhân dân bản từ công tiền tam thập quán tu lập từ sở, xuân thu hương hỏa, chuẩn miễn binh lương nhịn niên lệ, dự quốc đồng hưu, vinh vi bằng thức; Thịnh tai!

Tờ 5a:

– Phong Đương cảnh thành hoàng Đô thống Đại tướng quân Thượng đẳng phúc thần đại vương. (Lý triều tặng phong).

  • Phong Nam Binh Giang đô thống đại tướng quân. Thượng đẳng tối linh phúc thần đại vương (Trần triều tặng phong dĩ hạ).
  • Phong Nam Bình Giang Đô thống Đại tướng quân Kiềm hạt Lều sứ, Thượng đẳng tối linh đại vương.

Chuẩn hứa kinh Bắc trấn Lạng Giang phủ Bảo Lộc huyện Thọ Xương phường vi bộ nhi đệ nhất chính từ phụng tự hương hỏa yên.

  • Nhất: Từ lập tại Giang Tân xứ, tục túi hướng Dinh. Chính anh linh địa
  • Nhất: Lăng tại Kính Nhượng trang đại hậu nhân danh Mả Vua xứ.
  • Nhất: Sinh nhật chính nguyệt sơ cửu Nhật.
  • Nhất: Hóa nhật: Ngũ nguyệt nhin thập tam nhật.

Tờ 5b:

  • Hạ nhật bán nguyệt thập tam nhật.
  • Linh khánh nhật tam nguyệt thập tứ nhật.
  • Húy Minh tự thiết cấm.

Hồng phúc nguyên niên xuất cát nhật. Hàn lâm viện Đông các đại học sỹ thần Nguyễn Bính phụng soạn

Hoàng triều Vĩnh Hựu tam niên Đông cát nhật. Quản giám bách thần, Tri điện hùng lĩnh, Thiếu khanh, thần Nguyễn Hiền tuân phụng tiên chính bản phụng sao.

Tờ 6a:

Chúc Văn

Ngũ nguyệt bát nguyệt chính tế văn

… Vị tiền, Viết: Trung hưng danh tướng, thượng đẳng tối linh, phong vân trường bộ, chừ tế đài lĩnh, tụy uất thương phi khí tịnh hạp, diệu tham hóa biên Xương Giang chung bách trạc chi anh, xuất tướng lâm nhung, dực phù Lý tộ, dương không bách nộ, âm thoái Nguyên binh, trí tưởng phúc thần sinh ngọc cốt kỷ huân, tứ tước, kim cổ bao vinh. Tư lâm….tiết, kính Dụng sinh nghi ngưỡng kỳ, giáng giám tích chi, thần hy. Cẩn cáo

Thư bát nguyệt bát tịch dụng tiền nhật đoạn, vân vân,… hậu nhất đoạn vân vân..(hậu đoạn dụng…) tư gia tuyết trình bạch ư Tây Giao, vân tướng hoàng ư Nam Mẫu, duy thiên giáng khang…

Tờ 6b: …. Y Kim đại hữu tân cố vi hinh chỉ tửu đa, hựu đăng đài hưởng thái chu … thúy bão chi di hạp cảnh quân duy tống khánh lich du ca chi cựu, cảm dụng hy sinh minh cáo Thánh hậu nhật lâm kiên thành ngũ phúc phi thụ.

Cẩn cáo.

Chính nguyệt sơ cửu nhật thánh diên nhật tế văn… vị tiền viết: Hoàng long khải hạ, huyền điển sinh Thương cốt khí, phong long, tảo kế bật lương chi mộng sinh tư dĩnh dị, tái lâm hoa chử chi quang, ngũ bách niên cửu hiệp xương kỳ, bảo đài chung tú, sơ cửu nhật xuân khai chính nguyệt, xương thủy trình tường lịch đại chi cổn ba tuân thái sùng từ chi di điển, Từ chương, tư gia tiết thuộc xuân thiên, kính trần lễ số, ngưỡng kỳ giám cách, tích chi huyền hỗ.

Cẩn cáo.

Tờ 7a:

Đảo Vũ Văn Dĩ Hạ

Sơ đảo văn (tuân bản nhi hành bất tất biệt soạn)

… vị tiền viết: Thần phi dân nhi hà ỷ hề. Dân phi cốc nhi hà tư nông. Dĩ canh nhi hữu thời hồ, cốc phi vũ phi hà nghi. Hà bạn ký thái thậm hề, vũ đồ tế tế nhi phi phi. Hà lục nguyệt chi như hủy hề, hòa hạ điên nhi khô chi. Giá hà Nhật nhi ly ly. Vọng vân nghề tư tuần nguyệt hề, ký nông công chi khiên kỳ. Kế thu oán chi kiệt thành hề, hoặc nhất côc chi thị hy. Cảm trần tục như nạo tiến hề. Hoặc thần các chi dĩ phong hy. Thứ bất chí Canh, Quý chi tái hô hề, Thương sương kiến vịnh ư thi. Hựu bà tích nhất trận chi hành bành bái hề, thực dân mệnh ư Bắc Kỳ.

Tờ 7b: Âu dân chi khốc liệt hề, hạ nhất vũ dĩ tửu chi. Thanh lãnh nhi tiệu cao hỏa hề, hà chí vọng vân bán nhi tặng bi. Cung hành tại tạ bái đảo hậu kỳ.

Cẩn cáo

Tái đảo văn.

…Vị tiền viết: Đảo vũ tất cáo lễ đã. Duy ngã Lạc Hùng vũ trụ sơn nhạc tinh anh kỳ lưu chung tú, thần thánh đốc sinh, vũ phong hiệu thuận, tuân trở trường hinh kim tư khánh hạn mãn ngã sinh linh, hội đồng kiềm đảo linh. Ứng tầm thanh. Kinh hoạch trận vũ, sảo ủy du tình. Bạt ngược phục xí, tâm bất hoàng minh. Câu khô đọc hạc, thu giá nam thành. Kiên nghênh liệt giá, ngưỡng vongjcao thanh. Tích chi ưu ốc, giải trách sung doanh. Cứu tiêu ngưỡng trạch, số triệu tâm thành (hạ tình) bất thăng kỳ đảo, kiều vọng chí chí.

Cẩn cáo

Tờ 8a:

Tam Đảo Văn

… Vị tiền viết: Đảo vũ tất cáo lễ đã. Cung duy. Liệt thánh trạch vật chí nhâ, phồn khô nhuận hạ, giá vũ thăng vân, thiên thu bách trạc, vạn cổ hương yên. Kim tư hỏa bân giá phương ân, viêm uy bá ngược như tước như phần, ưu vũ mẫn vũ như xí như huân. Giá sắc an vọng, y phục hà nhân. Tuế cơ phú trọng, đạo tương thành quần. Trác bỉ vân hán, ai tai Tiểu dân. Duy thần linh ứng huệ cập đồng nhân. Tích chi ưu ốc, tảo cập oanh vân. Dân sinh ký toại, tự sự thường phân.

Cẩn cáo.

Tạ Vũ Văn

… Vị tiền viết: Tư gia nông công, chính cẩn kinh tuần bất vũ. Sơ thừa sức đảo sơ đảo.

Tờ 8b: triếp ứng. Tái thừa sức đảo tải đảo triếp ứng. Tam thừa sức đảo tẩm đảo triếp ứng. Thập phục nhất nhật vị hoạch chiêm tô. Y dân hà cô, trí thử cực dã. Tuế dĩ thu bì, hòa bất hạ điền. Vũ dĩ giáng hĩ, ốc bất doanh thiên. Thất nguyệt hà nguyệt cát cao không huyền. Thất nguyệt hà nguyệt oanh việp lao niên. Tam nông thủy hỏa, nhất vọng Liên diên. Dân thị duy cốc, mệnh chế hồ thiên. Thất cốc bất đăng, hà dĩ cáo kiên. Thử tắc bất tiến, mệnh hà dĩ diên. Tuế thời phục lạp, bách lễ câu khổn phục vọng, Hán huyền công vu tạo hóa, tán mật vũ vu Tây Thiên nhất trận bàng đà, hữu quý hữu niên. Huệ thậm đại đã, phúc hà hậu yên. Duy tư lũ đảo, khủng trí trần độc, cảm hành triển tạ. Mặc giám khung huyền.

Cẩn cáo

XV. TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Báo cáo khảo sát di tích lịch sử – văn hóa đền thờ và lăng mộ LỀU VĂN MINH xã Thọ Xương, thành phố Bắc Giang – Tỉnh Hà Bắc ngày 5 tháng 12 năm 1994 – tác giả: Phó tiến sỹ sử học Trần Đình Luyện
  • Lý lịch di tích lịch sử văn hóa đền thờ và lăng mộ LỀU VĂN MINH xã Thọ Xương, thành phố Bắc Giang – Tỉnh Hà Bắc ngày 25 tháng 11 năm 1994 – tác giả: Lê Viết Nga (Bảo Tàng Hà Bắc)
  • Thần tích xã Thọ Xương, Tổng Thọ Xương, Phủ Lạng Giang, Tỉnh Bắc Giang ký hiệu AE a14/12 thư viện Hán Nôm. Người dịch và sưu tầm: Hoàng Quý, người Hiệu duyệt: Mai Xuân Hải – Viện Nghiên Cứu Hán Nôm Việt Nam. Hà Nội ngày 27/10/1994
  • Tư liệu về Thành Hoàng, làng Thọ Xương – Hòa Yên – Cung Nhượng. Tác giả: Phó tiến sỹ Trần Hữu Đính, Nguyễn Hữu Tâm, Nguyễn Đức Nhuệ – Viện sử học Việt Nam. Hà Nội tháng 10 năm 1994
  • Quy định về Đền – Chùa Hòa Yên và một số văn bản cổ – Hòa Yên tháng 10 năm 2014 do thạc sỹ Nguyễn Quang Hiệp. Kỹ sư Phương Minh Tân
  • Thần tích Hán Nôm – Viện Nghiên cứu Hán Nôm Mã số: AE a14/12

XVI. LỜI CẢM TẠ

 Trong quá trình tìm hiểu về lịch sử nguồn gốc ngài Nam Bình Giang, mẫu Phạm Thị Từ Ân cháu xin chân thành cám ơn các cụ:

Cụ Phương Minh Tân cựu trưởng ban quản lý Đền – Chùa Hòa Yên

Cụ Trần Đức Thật trưởng ban quản lý, cụ Lê Ngọc Lâm phó ban quản lý Đền – Chùa Hòa Yên

Ông Nguyễn Quang Thắng, ông Nguyễn Văn Thanh – Viện nghiên cứu Hán Nôm Quốc Gia Việt Nam

Cùng các cụ trong thôn Bến Cát

Cụ Nguyễn Văn Ước- Cựu trưởng ban

Cụ Nguyễn Khắc Đức – Cụ cao niên

Cụ Nguyễn Hữu Đoạt – Thủ nhang

Cụ Nguyễn Viết Thoa – Trưởng ban

Ông Nguyễn Văn Minh – Trưởng thôn

Ông Ngô Tài Tình – Bí thư chi bộ

Ông Nguyễn Thái Thịnh – P. Chủ tịch UBND

Ông Ninh Đình Thuận – P.Chủ tịch HĐND

Cùng toàn thể các ông bà trong ban quản lý, khánh tiết đền, nghè Từ Khảo và nhân dân thôn Bến Cát đã giúp đỡ cháu hoàn thành tài liệu này.

Trong quá trình biên soạn, có điều gì sơ xuất và thiếu xót. Cháu kính mong nhận được sự đóng góp ý kiến của các cụ và toàn thể nhân dân trong thôn, cũng như các nhà nghiên cứu gần xa để tài liệu này được hoàn thiện hơn.

Người con quê hương: Nguyễn Văn Mậu – Bút danh: Thanh Giang

Hà Nội tháng 1 năm 2021

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *