NGÀY THANH MINH

(Lễ ở Lăng Mộ Đại Tướng Quân)

Lịch sử trên bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. “Hào kiệt thời nào cũng có”.

Theo Hồng Phúc nguyên văn năm 1572 do Đại học sỹ Nguyễn Bính biên soạn và do Quản giám Bách thần Tri điện hùng lãnh Thiếu khanh Nguyễn Hiền sao nguyên bản sinh năm 1737 và bia đá được tạo dựng tại lăng mộ tháng 11 năm 1877; Tướng quân Lều Văn Minh là một Đại Vương có công lớn với nước – được phong Thần.

Văn bia và các tài liệu chữ Hán xưa kể lại: Tướng quân Lều Văn Minh sinh ngày 9 tháng giêng âm lịch (Vào triều nhà Lý) tại Trang Cao Xá, Huyện Thiên Phúc, trấn Nghệ An. Cha là Lều Chân, mẹ là Hoàng Thị. Vợ chồng Lều Chân sống nhân hậu bằng nghề chài lưới. Khi sinh ra, Tướng quân đã có diện mạo khôi ngô tuấn tú, được cha đặt tên là Minh.

Một năm sau, quê hương Nghệ An có giặc Ngô xâm chiếm. Gia đình Lều Chân đưa con đi lánh nạn theo đường thủy ngược ra ngoài bắc; Khi vào lưu vực sông Thương đến địa phận trang Thọ Xương (làng Thương) thuộc trấn Kinh Bắc. Trời bỗng nổi cơn giông bão, thuyền bị đắm. May được gia đình ông Nguyễn Công Quyền người làng Thương sống gần đó biết, ra tay cứu vớt đưa về chăm sóc.

Bốn, năm tháng sau. Vợ chồng Lều công muốn chuyển đi nơi khác sinh sống; Song cứ mỗi lần ra sông định đi, thì lại có giông bão, gió to sóng lớn ập đến. không sao đi được. Vợ chồng Lều công đành cư ngụ tại đây. Mọi người cho đây là cơ Trời đã định. Đến năm con trai 6 tuổi, vợ chồng Lều Chân cho con trai mình làm con nuôi ông Nguyễn Công Quyền và xin phép về thăm cố hương. Song từ đó, ông bà Lều công không bao giờ trở lại nữa.

Sống với bố nuôi, Lều Văn Minh cao lớn hơn người, thiên tư dĩnh ngộ, bẩm tính thông minh. Lại được học hành chu tất, văn võ song toàn, tiếng tăm lừng lẫy một phương.

Năm Ngài 23 tuổi. Đời Lý Thái Tông, niên hiệu Càn Phù, có giặc Chiêm Thành tới xâm lấn bờ cõi, quấy nhiễu dân lành. Theo chiếu vua ban, Ngài tập hợp trai tráng trong vùng, luyện tập thành một đạo quân thiện chiến. Trước hàng quân, Ngài từng nói “Ta sinh ra vào thời này! Hà cớ gì không lưu danh cho đời sau!” và xin được vua đánh giặc. Nhà vua nghe tin rất mừng, cho vời vào cung yết kiến và phong Ngài làm Đại tướng quân. Ngài chỉ huy quân đánh thủy, đánh bộ. Khí thế ngút trời, đánh đâu thắng đó. Giặc Chiêm Thành không sao cự nổi, phải thua chạy. Quân ta toàn thắng, nhân dân yên hưởng thái bình.

Vua Lý Thái Tông phong Ngài làm: Đô thống Đại tướng quân. Cắt giao cho cai quản toàn bộ đất đai vùng sông quê và trở thành Trang, ấp của Ngài. Tướng quân trở lại quê hương làng Thương khao quân cùng dân làng. Tại buổi khao quân. Ngài nói “Tôi muốn khi sống thì làm tướng đánh giặc cứu nước. Khi thác thì làm Thần phù hộ cho muôn dân”. Quân dân reo hò hết thảy vui mừng.

Ba tháng sau, quân Chiêm Thành lén đánh tập kích. Trong trận huyết chiến với giặc trên dòng sông Thương, Ngài bị trọng thương rút về qua địa phận Trang Phú Yên là quê hương của người vợ trẻ Phạm Thị. Ngài đã nằm ở cánh đồng trước cửa trang (làng), mối đã xông phủ kín gần nửa người (Nơi đây chính là khu “đồng Mối” bây giờ). Song Ngài lại dạy đi tiếp đến xứ đồng Trang Kính Nhượng thì đột nhiên trời tối sầm, mưa gió ầm ầm. Ngài hóa tại đây. Hôm đó là ngày 23 tháng 5 Âm lịch

Nhân dân Trang Phú Yên ra tới nới thì mối đã xông đùn thành một gò lớn, chỉ còn hở một phần mũ quan của Ngài. Nhân dân trong vùng từ xưa đến nay, vẫn gọi nơi Ngài hóa là “Xứ mả vua”. Nơi phần mộ của Ngài được xây thành lăng to, đẹp và còn giữ được đến ngày nay. 

Sau ngày Tướng quân hy sinh, phu nhân của Tướng quân – Bà Phạm Thị hiệu Từ Ân – người con gái Trang Phú Yên – tiếp tục dẫn quân đánh tan giặc Chiêm Thành. Khi chiến thắng trở về, Bà đến bến sông Thương tuẫn tiết, nhân dân gọi là “Bến Bà”.

Để ghi nhớ công lao to lớn, dũng liệt của Tướng quân lúc sinh thời. Triều đình nhà Lý phong tặng Ngài là: “Đương Cảnh Thành Hoàng. Đô Thống Đại Tướng Quân. Thượng Đẳng Phúc Thần Đại Vương”. Và cho phép lập đền thờ Ngài tại Trang Phú Yên, Làng Thương, Trang Kính Nhượng, Riêng trang Phú Yên được tạc tượng Đức Ông, Đức Bà để thờ. Đức Ông thờ ở Đền (Đình), Đức Bà thờ ở Nghè. Dọc hai bên sông Thương từ Bố Hạ – Yên Thế ra tới Lục Đầu Giang nhân dân còn lập nhiều Đền thờ vọng Ngài.

Ngài còn hiển linh phò giúp vua Trần Anh Tông đánh tan quân Nguyên – Mông. Trong sử sách còn ghi rõ: Vua Trần Anh Tông, trực tiếp cầm quân đi đánh giặc. Khi đoàn quân qua sông Thương, đang giữa trưa mà trời bỗng tối mù mịt, phong ba nổi lên. Đoàn quân không sao đi được. Nhà vua phải cho quân lính nghỉ lại tại địa phận Trang Phú Yên.

Cũng lúc đó, trong mưa giông lại xuất hiện một người cao lớn trên sông Thương với áo mũ, cân đai rực rỡ ánh hào quang. Người ấy hô lớn: “Ta là Lều – Nam Bình Giang sứ. Ta hiển linh đến phò giúp vua dẹp giặc”. Nói xong liền biến mất. Vùa Trần được dân làng tâu rõ sự tích Lều Tướng Quân, bèn lập đàn cúng tế tại bờ sông Thương. Trang Phú Yên. (Nơi Vua nghỉ và lập đàn tế chính là Đình Hòa Yên ngày xưa).

Vua lập tức cho quân đánh thẳng vào trại giặc. Giữa trận tiền, Vua tôi luôn thấy hình dáng một người cao lớn, uy dũng phi thường, tiếng vang như sấm. Quân Nguyên – Mông kinh sợ bàng hoàng, dẫm đạp lên nhau tháo chạy. Vùa biết đã được Thần hiển linh phò trợ, liền thúc quân đánh thắng ròn rã, thu hồi toàn bộ đất đai.

Để tri ân, Vua Trần sắc phong Ngài là: “Nam Bình Giang Đô Thống Đại Tướng Quân Kiềm Hạt Sứ, Thượng Đẳng Phúc Thần Tối Linh Đại Vương”. Và “Sinh phù Lý, Tử phù Trần”. Vua còn ban cho nhân dân thuộc địa phận Ngài cai quản được miễn binh lương 2 năm.

Các triều đại Lê, Nguyễn tiếp tục sắc phong Ngài như trều đại nhà Trần.

Phạm Thị hiệu Từ Ân được các triều đại nhà Lý, Trần, Lê, Nguyễn đều sắc phong là: “Trang Huy – Vy Trai Tĩnh – Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần”.

Xét công lao to lớn của Lều Tướng Quân đối với quốc gia Đại Việt. Ngày 28/6/1996, nhà nước CHXHCN Việt Nam quyết định công nhận: “Đền thờ và Mộ Lều Tướng quân là Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia”. Tỉnh Bắc Giang cũng có một con đường mang tên Lều Văn Minh.

Trải qua gần 10 thế kỷ, lịch sử có thăng trầm, nhưng sự nghiệp của Lều Tướng quân mãi mãi trường tồn với thời gian và các thế hệ mai sau.

Nhân dân các làng: Hòa Yên, Cung Nhượng, làng Hướng, làng Thương vinh dự được là thần dân của Ngài, lại được các Triều đại giao cho coi giữ, thờ phụng. Thế hệ nối tiếp thế hệ, năm sau nối tiếp năm trước. Cứ vào tiết Thanh Minh, nhân dân 4 làng lại cờ dong, trống mở dẫn lễ ra lăng mộ của Ngài để tế lễ, để ôn lại những chiến công hiển hách của Ngài và nhân dân địa phương. Nhắc nhở nhau “uống nước nhớ nguồn”, đồng tâm gìn giữ, phát huy, tô đẹp hơn nữa nơ thờ phụng Ngài để trường tồn mãi, để hậu thế noi theo và phát huy. 

Sư tầm và biên soạn

Thạc sỹ: nguyễn Quang Hiệp 

Ghi chú: Bài Chúc văn lược giản: Tuyên ngày lễ Thanh Minh tại Đền và Lăng, thì lấy theo nội dung bài văn lễ sinh nhật ngày (9-1), chỉ cần đổi là ngày Thanh minh và nhân dân 4 làng là đủ.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *