Đền Thờ và Lăng Mộ

TƯỚNG QUÂN LỀU VĂN MINH

Lịch sử trên bốn ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. “Hào Kiệt thời nào cũng có”.

Theo Hồng phúc nguyên viên năm 1572 do Đại học sĩ Nguyễn Bính biên soạn và do quản giám Bách thần Tri điện lãnh thiếu khanh Nguyễn Hiền sao nguyên bản chính năm 1737 và bia đá được tạo dựng tại lăng mộ tháng 11 năm 1877. Tướng quân Lều Văn Minh là một đại tướng có công lớn với nước – Được phong thần.

Văn bia và các tài liệu chữ hán xưa kể lại: Tướng quân Lều Văn Minh sinh ngày mùng 9 tháng giêng âm lịch (Vào đầu triều nhà Lý) tại trang Cao Xá, huyện Thiên Phúc, chấn Nghệ an. Cha là Lều Chân, mẹ là Hoàng Thị. Vợ chồng Lều Chân sống nhân hậu bằng nghề chài lưới. Khi sinh ra, tướng quân đã có diện mạo khôi ngô tuấn tú. Một năm sau quê hương Nghệ An có giặc Ngô xâm chiếm. Gia đình Lều Chân đi lánh nạn ở trang Thọ Xương ( làng Thương). Đến năm con trai sáu tuổi, vợ chồng Lều Chân cho con trai mình làm con nuôi ông Nguyễn Công Quyền người làng Thương và xin phép về thăm cố hương. Từ đó, ông bà không bao giờ trở lại nữa.

Sống với bố mẹ nuôi, Lều Văn Minh cao lớn hơn người, thiên tư dĩnh ngộ, bẩm tính thông minh; Lại được học hành chu tất, văn võ song toàn, tiếng tăm lừng lẫy một phương.

Năm tướng quân Lều Văn Minh 23 tuổi; Đời Lý Thái Tông, niên hiệu Càn Phù, giặc Chiêm Thành xâm lấn bờ cõi, quấy nhiễu dân lành. Theo chiếu vua ban, tướng quân tập hợp trai tráng trong vùng thành một đạo quân thiện chiến, giúp vua đánh giặc. Nhà vua phong ông làm đại tướng quân. Ngài chỉ huy quân đánh tan giặc Chiêm Thành. Quân ta toàn thắng, nhân dân yên hưởng thái bình. Vua Lý Thái Tông phong Ngài làm Đô Thống Đại Tướng quân. Tướng quân trở lại quê hương làng Thương, trang Phú Yên khao quân cùng dân làng.

Ba tháng sau, quân Chiêm Thành lén đánh tập kích. Trong trận huyết chiến với giặc trên dòng sông Thương, tướng quân bị trọng thương và đã hy sinh trên mảnh đất quê hương, tại xứ đồng trang Kính Nhượng. Hôm đó là 23/5 âm lịch. Nơi mộ phần tướng quân được xây thành lăng: To, đẹp. Nhân dân trong vùng vẫn gọi là “xứ đồng mả vua”.

Sau ngày Tướng quân hy sinh, phu nhân của Tướng quân – Bà Phạm Thị Từ Ân – người con gái trang Phú Yên – tiếp tục dẫn quân đánh tan giặc Chiêm Thành. Khi chiến thắng trở về, Bà đến bến Sông Thương tuẫn tiết theo Tướng công. Hôm đó là ngày 22-9 âm lịch. Nơi bến sông Bà tuẫn tiết, nhân dân gọi là “Bến Bà”.

Để ghi nhớ chiến công oanh liệt của Tướng quân lúc sinh thời. Triểu đình nhà Lý phong tặng Ngài làm: “Đương Cảnh Thành Hoàng; Đô Thống Đại Tướng Quân; Thượng Đẳng Phúc Thần Đại Vương”.  Và cho phép lập đền thờ Ngài tại Trang Phú Yên, làng Thương, Trang Kính Nhượng. Riêng trang Phú Yên được tạc tượng Đức Ông, Đức Bà để thờ. Đức Ông thờ ở Đền (Đình), Đức Bà thờ ở Nghè.

Ngài còn hiển linh phò giúp Vua Trần đánh tan quân Nguyên; Nên được triều đình nhà Trần sắc phong Ngài làm “Nam Bình Giang Đô Thống Đại Tướng Quân Kiềm Hạt Xứ, Thượng Đẳng Phúc Thần Tối Linh Đại Vương”.

Các triều đại Lê, Nguyễn tiếp tục sắc phong Ngài như triều đại nhà Trần.

Phạm Thị Từ Ân được các triều đại nhà Lý, Trần, Lê, Nguyễn đều sắc phong: “Trang Huy – Vy Trai Tĩnh – Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần”.

Năm 1990, làng Hòa Yên được Nhà nước cho phép tái lập lại Đình – Chùa ở xứ đồng “Bãi Đình, Cửa Huyện”.

Xét công lao to lớn của Lều Tướng Quân đối với quốc gia Đại Việt. Ngày 28 – 6- 1996, Nhà nước CHXNCH Việt Nam quyết định công nhận: “Đền thờ và Mộ Lều Tướng Quân là Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia”.

Lịch sử có thăng trầm, nhưng sự nghiệp của Lều Tướng Quân mãi mãi trường tồn với thời gian và các thế hệ mai sau.

Hòa Yên, ngày 01 tháng 05 năm 2000

Đồng sưu tầm – biên soạn

Thạc sỹ: Nguyễn Quang Hiệp

Kỹ sư: Phương Minh Tân

Ghi chú: Văn bia tại đền thờ tướng quân Lều Văn Minh

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *